Cẩn Trọng Rủi Ro Pháp Lý Trong Nhượng Quyền

Cẩn trọng rủi ro pháp lý trong nhượng quyền

Mô hình nhượng quyền có thể mang đến những lợi ích lớn, nhưng cũng ẩn chứa những rủi ro nhất định cho cả hai phía.

Trong quyển tự truyện “Bầu trời không chỉ có màu xanh” của nhà sáng lập Phở 24, ông Lý Quí Trung thừa nhận, bản thân quá ấn tượng với triết lý kinh doanh của nhượng quyền thương mại. Đó là người thành công (người nhượng quyền) giúp nhiều người khác cùng thành công (người nhận nhượng quyền) để cuối cùng tự giúp mình thành công hơn (thương hiệu lớn mạnh).

McDonald’s đã cần sự đồng bộ vì họ kinh doanh theo chuỗi và áp dụng phương thức nhượng quyền thương mại để bành trướng thị trường từ Mỹ đến các nước trên thế giới. Nhượng quyền giúp họ chia sẻ bớt các gánh nặng về chi phí đầu tư, quản trị và đặc biệt là kiến thức về địa phương hóa. Nhượng quyền cũng giúp McDonald’s bành trướng thương hiệu gấp nhiều lần so với phương án tự kinh doanh và như vậy, sẽ chiếm ưu thế lớn hơn các đối thủ cạnh tranh.

“McDonald’s không sợ đối thủ cạnh tranh sao chép mô hình tổ chức bếp, không sợ truyền nghề nấu bếp lại cho hàng ngàn nhân viên trên khắp thế giới, vì họ biết có một thứ không thể sao chép được đó là thương hiệu, uy tín của logo hình chữ M”, ông Lý Quí Trung đánh giá.

Về các mô hình nhượng quyền, ông Ngô Anh Ngọc, CEO Babuki cho biết, có nhiều hình thức như nhượng quyền “trọn gói” (Highlands Coffee là một ví dụ); nhượng quyền một mảng trong toàn hệ thống; nhượng quyền có tham gia quản lý (ví dụ với KFC) và nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (như Viva Star Coffee).

Khởi nghiệp theo hình thức nhận nhượng quyền được đánh giá là phương pháp đầu tư an tòan; không phải hiệu chỉnh mô hình nhiều lần như tự đầu tư; được hỗ trợ tiếp thị bán hàng hay trong các đàm phán với nhà cung cấp…

Còn với phía nhượng quyền, khi đã có mô hình chuẩn hoá, mang lại lợi nhuận ổn định và muốn nhượng quyền, thì có nhất thiết phải tìm đến sự tư vấn, hỗ trợ của một đơn vị trung gian không? Theo ông Ngô Anh Ngọc, điều này phụ thuộc vào tư duy kinh doanh của chủ thương hiệu.

“Khi có một vài cửa hàng, chủ sở hữu sẽ có thế mạnh và thường tập trung, chăm chút cho sản phẩm, sáng tạo…, nhưng khi nhân rộng chuỗi, thì đòi hỏi năng lực quản lý, quản trị cao hơn để đảm bảo sự đồng bộ với các đối tác mà mình đã nhượng quyền”, ông Ngô Anh Ngọc chia sẻ thêm.

Nhưng cần cẩn trọng về pháp lý

Hình thức nhượng quyền thương mại đã xuất hiện từ lâu trên thế giới, nhưng mới phát triển mạnh ở Việt Nam trong những năm gần đây. Dựa trên kinh nghiệm bản thân trong tư vấn khởi nghiệp ngành dịch vụ F&B, Đỗ Duy Thanh, nhà sáng lập/CEO FnB Director cho rằng, dù là phía nhượng quyền hay bên nhận nhượng quyền, thì việc đầu tiên cần tìm hiểu vẫn là nắm bắt các thương hiệu Việt Nam cũng như nước ngoài trong mảng F&B, đặc biệt là phân khúc mà mình dự định tham gia.

Theo sau đó là hàng loạt phân tích về tình hình kinh doanh, về thị trường/ khả năng phát triển, về hệ thống quản lý/ khả năng kiểm soát chất lượng… cũng như kịch bản lãi lỗ và thời gian thu hồi vốn. Đặc biệt, phải cẩn trọng trong hợp đồng với quyền và nghĩa vụ rõ ràng của hai bên.

Đồng tình quan điểm này, ông Trần Đức Tính, nhà sáng lập/CEO Bách Việt Holdings cũng đưa ra hàng loạt “gạch đầu dòng” đáng lưu ý trước khi nhượng quyền. Trong đó, nổi bật là hồ sơ pháp lý để tránh xảy ra mâu thuẫn giữa các bên, đặc biệt với mô hình nhượng quyền bán phần.

“Bạn nhượng quyền thương hiệu phở thì đối tác nhận nhượng quyền có bán thêm bún riêu được không? Hay đến bao nhiêu năm từ khi hai bên là đối tác thì họ có thể bán thêm các món khác? Sẽ có nhiều vấn đề phát sinh ngoài dự tính. Thế nên, nếu không tự tin về kinh nghiệm, kiến thức bản thân, hãy thuê một đơn vị trung gian tư vấn mọi vấn đề liên quan đến nhượng quyền, đặc biệt về pháp lý”, ông Trần Đức Tính chia sẻ.

Khả năng người nhận nhượng quyền trở thành đối thủ trong tương lai là một trong những rủi ro lớn mà bên nhượng quyền cần dự liệu. Bên cạnh pháp lý, câu chuyện về nguồn lực, trong đó liên quan đến tài chính luôn là vấn đề được quan tâm khi bắt đầu kinh doanh để “liệu cơm gắp mắm”, thay vì nhìn thấy sự phát triển nóng của ngành F&B, nên lao vào đầu tư mà không có kế hoạch tài chính rõ ràng.

Nguồn: Baodautu

 

Đăng Ký Tư Vấn Nhượng Quyền cùng VNFranchise

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise