Chuỗi nhà thuốc Long Châu cán mốc 100 cửa hàng

chuỗi nhà thuốc long châu

Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT) cho biết chính thức cán mốc 100 cửa hàng tại 30 tỉnh thành cả nước trong tháng 5 này.

“Nhà thuốc thứ 100 đi vào hoạt động đánh dấu một cột mốc quan trọng trong chặng đường phát triển của hệ thống Long Châu”, thông cáo vừa phát đi của FRT nhấn mạnh.

Tốc độ mở mới cửa hàng tháng qua khá nhanh so với mức 83 cửa hàng tại 19 tỉnh thành vào cuối quý I.2020. Bên cạnh bán hàng trực tiếp, hệ thống Long Châu còn mở rộng bán hàng online cùng dịch vụ giao hàng tận nhà trong 60 phút.

Kết thúc quý I.2020, Long Châu được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh kinh doanh của FPT Retail khi đạt doanh số 239 tỉ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2019. Doanh thu của chuỗi này sau hai năm FRT tiếp quản đã chiếm gần 6% tổng doanh thu, tăng gấp đôi với so tỷ trọng đóng góp năm 2019 ở mức 3% tổng doanh thu của FRT.

Đại diện FRT cũng cho biết thêm hiện Long Châu đã chốt được 40 địa điểm để mở cửa hàng trong quý II.2020. Mục tiêu chuỗi nhà thuốc Long Châu đặt ra đạt 200 cửa hàng vào cuối năm.

Theo ước tính của FRT, cả nước hiện có hơn 30.000 nhà thuốc hoạt động với tổng quy mô thị trường khoảng 2 tỉ USD (tương đương 25% quy mô ngành bán lẻ dược phẩm bao gồm kênh nhà thuốc và bệnh viện). Mặc dù vậy thị trường này khá phân mạnh khi chưa có thương hiệu nào thực sự có quy mô áp đảo. Chuỗi bán lẻ dược phẩm có số cửa hàng lớn nhất hiện nay có thể kể đến là Pharmacity thành lập từ năm 2011, với 328 cửa hàng tính đến tháng 4.2020.

Trong bối cảnh ngành hàng ICT đang bước vào giai đoạn bão hòa thì FRT đang đẩy mạnh tìm kiếm động lực tăng trưởng từ các mảng kinh doanh mới trong đó chuỗi nhà thuốc Long Châu được đặt nhiều kỳ vọng.

Báo cáo thường niên 2019 của FRT đánh giá thị trường dược phẩm ở Việt Nam là khá hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư. Theo hãng nghiên cứu thị trường BMI, doanh số thị trường này sẽ tăng từ 7,7 tỉ USD năm 2021 lên 16,1 tỉ USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%, tính theo tiền đồng Việt Nam.

Hãng nghiên cứu IMS Health cũng dự báo, mức chi tiêu cho dược phẩm bình quân đầu người tại Việt Nam sẽ tăng lên 50 USD/người/năm trong năm 2020 so với mức hơn 20 USD/người trong giai đoạn 2015-2017. Theo tính toán, 25% doanh thu ngành dược phẩm ở Việt Nam, tương đương gần 2 tỉ USD (năm 2021) đến khoảng 4 tỉ USD (năm 2026) sẽ đổ vào thị trường bán lẻ dược phẩm qua các kênh nhà thuốc.

Ngoài dược phẩm, FRT đang thử nghiệm một số ngành hàng như điện máy, thương mại điện tử và mới nhất là lĩnh vực mỹ phẩm, tuy nhiên vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm và chưa có công bố chính thức.

Theo Forbesvietnam

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise