Chuỗi Phúc Long làm ăn ra sao mà được định giá vài trăm triệu USD?

Các cửa hàng ở TP HCM luôn kín khách. Ảnh: Hồng Phúc

Phúc Long đã âm thầm mở rộng, đến nay, chuỗi này có hơn 700 điểm bán, vượt mặt cả Highlands Coffee và thuộc top đầu về số lượng các cửa hàng trong mảng F&B tại Việt Nam.

Đầu năm nay, tập đoàn Masan đã chi thêm 110 triệu USD mua 31% cổ phần của chuỗi trà và cà phê Phúc Long, qua đó nắm quyền chi phối với tỷ lệ sở hữu Phúc Long lên 51%.

Giữa năm ngoái, Phúc Long được định giá 75 triệu USD thì nay định giá vốn cổ phần của Phúc Long đã tăng gần 5 lần, lên 355 triệu USD.

Cú lột xác âm thầm của Phúc Long

Từ khi “nên duyên” với Masan vào giữa năm 2021, chuỗi Phúc Long đã âm thầm mở rộng ồ ạt. Đến nay, Phúc Long sở hữu tổng cộng hơn 700 điểm bán, thuộc top đầu về số lượng các cửa hàng trong mảng F&B (nhà hàng, đồ uống) tại Việt Nam. 

Con số hơn 700 điểm bán của Phúc Long khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, bởi thực tế, số lượng cửa hàng Phúc Long mới mọc lên gần đây không phải quá nhiều. Nhưng sự mở rộng ồ ạt này đang tập trung ở những ki-ốt Phúc Long đặt trong các cửa hàng WinMart+.

Nếu tính riêng các cửa hàng Phúc Long lớn đặt bên ngoài hệ thống WinMart+ thì số lượng các cửa hàng này cũng chỉ chưa đến 100 cửa hàng.

Mô hình ki-ốt của Phúc Long lần đầu tiên ra mắt cũng vào giữa năm ngoái, khi hệ thống này bắt tay với Masan. Bán hàng với một ki-ốt nhỏ, Phúc Long chủ yếu phục vụ mang đi. 

Lãnh đạo Masan đặt kỳ vọng WinMart+ đang có độ phủ lớn nhất thị trường, cùng với mô hình ki-ốt tiện lợi, thì mục tiêu 1.000 ki-ốt bán trà sữa, cà phê sẽ sớm đạt được khi bước chân vào thị trường này.

Đại diện Masan cũng đánh giá mô hình ki-ốt Phúc Long tích hợp trong các cửa hàng WinMart+ mang lại kết quả khả quan. Tập đoàn tự tin rằng mô hình mini-mall thu hút khách hàng sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số và giảm doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn, từ đó gia tăng lợi nhuận.

“Kể từ khi nhận được khoản đầu tư ban đầu của Masan, Phúc Long thể hiện sức mạnh cộng hưởng mạnh mẽ với chiến lược Point of Life (POL). Chiến lược này giờ đây sẽ tăng tốc hơn nữa khi Phúc Long trở thành công ty thành viên của Masan”, đại diện Masan cho biết.

Doanh thu Phúc Long sẽ đạt 2.500-3.000 tỷ năm 2022

Phúc Long là thương hiệu trà, cà phê có mặt trên thị trường từ năm 1968 tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Năm 2000, thương hiệu mới gia nhập thị trường thực phẩm, đồ uống (F&B) và mãi đến năm 2012 mới mở cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea đầu tiên.

3 năm sau, Phúc Long phát triển lên 10 cửa hàng tại các vị trí đắc địa ở TP.HCM. Tính đến hết năm 2018, thương hiệu này có tổng cộng 42 cửa hàng, chủ yếu tại TP.HCM và Đà Nẵng. 

Sau khi chắc chân ở TP.HCM, đầu năm 2019, Phúc Long quyết định “Bắc tiến” với cửa hàng đầu tiên, nằm cùng tòa nhà với Starbucks Việt Nam và Highlands Coffee.

Kể từ khi “gây sốt” với cảnh rồng rắn xếp hàng chờ mua trà sữa, cà phê… tại cửa hàng đầu tiên ở Hà Nội, tốc độ mở rộng “tự thân” của chuỗi của Phúc Long khá nhanh. Tính đến tháng 3/2021, tức trước thời điểm bắt tay với Masan, Phúc Long có hơn 70 cửa hàng, tập trung chủ yếu tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Nha Trang…

Các cửa hàng của Phúc Long thường đông nghịt khách, nhất là người trẻ và giới nhân viên văn phòng.

Sau khi có sự hậu thuẫn của Masan và một mô hình ki-ốt mới, Phúc Long đã phát triển ồ ạt. 

Theo Masan, trong năm tài chính 2022, doanh thu chuỗi Phúc Long sẽ đạt 2.500 – 3.000 tỷ đồng, nhờ mở rộng mạng lưới cửa hàng riêng và ki-ốt trong WinMart+ cũng như việc đa dạng hóa danh mục sản phẩm trà và cà phê.

Việc chuyển đổi siêu thị và cửa hàng WinMart và WinMart+ thành các điểm bán trong chiến lược Point of Life được cho là sẽ giúp gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Hiện chuỗi bán lẻ này cũng bắt đầu triển khai mô hình nhượng quyền nhằm gia tăng số lượng điểm bán thuộc kênh phân phối hiện đại.

DÂN VIỆT (Hồng Phúc)

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise