Đại dịch Covid-19 vẽ lại tương lai châu Á

Cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra lần này được đánh giá tồi tệ hơn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khi đó, châu Á là khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Du lịch là một trong những ngành đầu tiên bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty Images

Đây thực sự lại là một cú sốc kinh tế nặng nề, tăng trưởng tại châu Á dự báo đóng băng ở mức 0% trong năm 2020, thấp nhất trong gần 60 năm qua, so với mức tăng trưởng 4,7% trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 hay 1,3% trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997.

Bên cạnh tác động của các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trong nước và giãn cách xã hội, có 2 yếu tố chính đang định hình tương lai của châu Á, đó là, sự suy thoái của kinh tế toàn cầu và sự suy giảm mạnh của kinh tế Trung Quốc.

Kinh tế toàn cầu dự kiến sụt giảm 3% trong năm 2020. Đây là sự suy thoái đồng bộ do các nền kinh tế trên thế giới đồng loạt đóng cửa. Các đối tác thương mại chính của châu Á bị dự báo ít nhiều đều gặp những khó khăn nhất định, thậm chí trầm trọng, trong đó kinh tế Mỹ có thể sụt giảm 6%, châu Âu giảm khoảng 6,6%.

Mức tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới – Trung Quốc dự tính giảm từ 6,1% trong năm 2019 xuống 1,2% trong năm 2020.

Nhưng theo phân tích của các chuyên gia thuộc Tổ chức Tiền tệ Quốc tế (IMF), nếu các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và chính sách kích thích tăng trưởng có hiệu quả thì kinh tế châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, thậm chí mạnh hơn thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, hiện tại mỗi quốc gia châu Á đang trải qua các giai đoạn khác nhau của đại dịch Covid-19. Trong khi nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu hoạt động trở lại thì các nền kinh tế khác vẫn còn đóng cửa, một số nước phải trải qua làn sóng thứ hai của dịch bệnh. Bởi vậy, triển vọng kinh tế châu Á vẫn phụ thuộc nhiều vào sự phát tán của virus gây bệnh Covid-19 trong khu vực và hiệu quả của chính sách mà mỗi nước quyết định thực thi.

Giới chuyên gia đều có chung nhận định, khủng hoảng lần này không giống bất kỳ cuộc khủng hoảng nào trước đây trong lịch sử, do đó cần triển khai các chính sách ứng phó toàn diện và đồng bộ. Trước tiên, cần ưu tiên hỗ trợ ngành y tế để tăng khả năng kiểm soát dịch bệnh, đồng thời triển khai các biện pháp giảm lây nhiễm.

Trên thực tế, IMF cho rằng, các biện pháp kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, trong đó hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất từ dịch bệnh cần được hỗ trợ.

Các thị trường tài chính trong khu vực cũng đã cảm nhận gánh nặng từ tác động của đại dịch Covid-19. Bởi vậy, chính sách tiền tệ cần được triển khai khéo léo nhằm tăng khả năng thanh khoản, giảm căng thẳng tài chính cho các ngành công nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đồng thời có thể tạm thời nới lỏng các chính sách vĩ mô. Nếu cần thiết, có thể tìm đến sự hỗ trợ tài chính từ các tổ chức đa phương hoặc can thiệp thị trường ngoại hối và kiểm soát vốn.

Hiện các nền kinh tế châu Á đã và đang triển khai một số sáng kiến theo hướng này như: hỗ trợ trực tiếp ngành y tế, các gói kích thích tài khóa và nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Các ngân hàng trung ương trên khắp châu lục đã tăng cường tính thanh khoản và cắt giảm lãi suất. Chẳng hạn, Ngân hàng Nhật Bản mở rộng hoạt động mua lại, phối hợp với các ngân hàng trung ương trên thế giới nhằm đảm bảo sự hoạt động của thị trường và đưa ra các biện pháp tạo thuận lợi cho tài chính doanh nghiệp.

Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, IMF đã đưa ra một số công cụ giúp các thành viên vượt qua khủng hoảng và hạn chế tổn thất về kinh tế và con người. Hơn 15 quốc gia trên khắp khu vực đã quan tâm đến hai công cụ tài chính khẩn cấp của IMF là Thấu chi tín dụng khẩn cấp (Rapid Credit Facility – RCF) và Chương trình hỗ trợ tài chính nhanh (Rapid Financing Instrument – RFI). Đường dây Thanh khoản Ngắn hạn cũng đã được thiết lập và là một phần của mạng lưới tài chính an toàn toàn cầu của IMF.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) Yasuyuki Sawada, nhận định: “Các thị trường tài chính trong khu vực đang cảm nhận gánh nặng từ tác động của đại dịch Covid-19, với dòng vốn đầu tư nước ngoài và các hoạt động trong lĩnh vực này giảm sút, cộng thêm các vấn đề thương mại đang tiếp diễn. Những nỗ lực nhằm giảm tác động tiêu cực của đại dịch thông qua các gói kích thích kinh tế và biện pháp tiền tệ để hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp và thị trường tài chính bị ảnh hưởng cần được triển khai quyết liệt”.

Theo DNSG

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise