Các chính sách phong tỏa hay giãn cách xã hội nhằm đối phó dịch Covid-19 đang làm chậm các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Để đảm bảo sự thành công của các thương vụ, các bên liên quan cần có những điều chỉnh phù hợp trong giai đoạn nhiều biến động này.
Quá trình thẩm định công ty mục tiêu giúp bên mua đánh giá đầy đủ các rủi ro cũng như tính khả thi của việc mua lại. Bên cạnh các nội dung cơ bản về pháp lý, tài chính, kỹ thuật, kinh doanh, khi tiến hành thẩm định trong giai đoạn hiện nay, bên mua nên xem xét các khía cạnh mà công ty mục tiêu bị ảnh hưởng bởi đại dịch, bao gồm:
– Khả năng xảy ra các “thay đổi bất lợi nghiêm trọng” mà các thay đổi này có thể cấu thành điều kiện để bên mua hoặc bên bán chấm dứt thương vụ đang tiến hành;
– Các ảnh hưởng đến tài chính của công ty mục tiêu;
– Nguy cơ xảy ra các vi phạm ở bất kỳ hợp đồng trọng yếu nào mà công ty mục tiêu là một bên của hợp đồng, kể cả các vi phạm tiềm tàng từ công ty mục tiêu hay bên còn lại của hợp đồng;
– Khả năng mà (các) bên khác có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng đã ký với công ty mục tiêu trên cơ sở các sự kiện gây ra bởi đại dịch, ví dụ căn cứ vào điều khoản về sự kiện bất khả kháng hoặc các điều khoản về điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản;
– Các hậu quả nếu bên cho vay (chủ nợ) của công ty mục tiêu thực thi các quyền đòi nợ của họ vào thời điểm này;
– Đánh giá tính hiệu quả của các kế hoạch kinh doanh được cung cấp khi đàm phán giao dịch và các điều chỉnh cần thiết;
– Bản chất và phạm vi bảo hiểm của các hợp đồng bảo hiểm mà công ty mục tiêu đã mua;
– Nội quy lao động hoặc các chính sách lao động để bảo vệ nhân viên, giải quyết các yêu cầu đặc thù về việc bố trí nhân viên làm việc tại nhà, phản ứng trong tình huống có yêu cầu tự cách ly, thậm chí các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết hậu quả của nó trong bối cảnh hiện nay;
-Các chính sách hoặc quy định cơ bản để bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ của công ty mục tiêu (đặc biệt là các bí mật kinh doanh) và bảo vệ quyền riêng tư khi thực hiện yêu cầu làm việc từ xa;
– Khả năng và phạm vi mà công ty mục tiêu có thể yêu cầu tạm dừng hoặc giảm các nghĩa vụ tài chính phải nộp cho cơ quan nhà nước.
Nếu các hợp đồng M&A (chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng cổ phần, mua bán tài sản…) có đặt ra các điều kiện tiên quyết để thực hiện giao dịch hoặc điều kiện để giao dịch được xem là hoàn tất mà các điều kiện này phụ thuộc sự chấp thuận hoặc kết quả từ các cơ quan nhà nước, các bên nên xem xét liệu rằng thời hạn mà các hợp đồng M&A đã đặt ra để đạt được những kết quả này có còn khả thi trong lịch trình làm việc của cơ quan công quyền hay không.
Thực tế cho thấy cơ quan cấp phép đầu tư ở nhiều địa phương đã có các điều chỉnh trong phương thức làm việc của họ để đáp ứng các yêu cầu phòng chống dịch bệnh. Trong nhiều trường hợp, thời gian để đạt được điều kiện tiên quyết hoặc điều kiện hoàn tất giao dịch có thể được gia hạn và dẫn đến rủi ro lớn hơn cho cả hai bên.
Ngoài ra, thời hạn cuối cùng (long stop date) được nêu trong các hợp đồng M&A cũng nên được xem xét cẩn thận để đảm bảo rằng thời hạn này vẫn khả thi cho các bên.
Trong các hợp đồng M&A, bên bán thường đưa ra các cam kết rằng công ty mục tiêu sẽ luôn được vận hành trong phạm vi kinh doanh thông thường của nó. Tuy nhiên, những chính sách phòng chống dịch có thể đặt ra các thách thức cho sự ổn định của doanh nghiệp. Trong bối cảnh này, bên mua nên cho phép bên bán một giới hạn linh hoạt hoặc các ngoại lệ nhất định để lèo lái công ty mục tiêu thích nghi với môi trường thay đổi.
Mặc dù vậy, trong hầu hết các trường hợp, bên mua nên giám sát chặt chẽ các quyết định của bên bán để đảm bảo những quyết định đó không ảnh hưởng xấu đến các hợp đồng đã ký hoặc toàn bộ giao dịch nói chung. Để làm như vậy, bên mua nên đưa ra các điều khoản về quyền tham vấn và quyền yêu cầu cung cấp thông tin để bảo vệ quyền lợi của mình và của công ty mục tiêu ngay cả khi đại dịch kết thúc.
Một lựa chọn khác là các bên có thể thành lập một ủy ban chung bao gồm đại diện của hai bên. Tại đó, các quyết định quan trọng liên quan đến công ty mục tiêu được cùng nhau thảo luận nhằm bảo vệ tốt nhất lợi ích của các bên.
Trong hoàn cảnh thị trường thay đổi do dịch bệnh, những bảo đảm mà các bên đưa ra trong hợp đồng trước đây có thể một lần nữa trở thành vấn đề nóng giữa các bên. Bên bán có thể muốn sửa đổi một số bảo đảm để phản ánh những thay đổi thực tế hoặc để bảo vệ họ khỏi các vi phạm có thể xảy ra đối với một số bảo đảm khó có thể được hoàn thành. Ngược lại, bên mua có thể muốn giữ nguyên các bảo đảm đã được các bên thống nhất và sẽ đấu tranh quyết liệt để giữ lại các bảo đảm có thể ảnh hưởng đến giá trị cốt lõi của công ty mục tiêu và tiềm năng phát triển của nó.
Một trong những công cụ để bảo vệ bên bán khỏi tính khắt khe và cực đoan của các bảo đảm trong hợp đồng M&A là thư tiết lộ. Do đó, bên bán cũng nên cân nhắc việc liệu có cần tiết lộ thêm các ngoại lệ cho các bảo đảm đã đưa ra trong hợp đồng hay không.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đưa ra các tiết lộ mới có thể là cần thiết, đặc biệt là các bảo đảm liên quan đến thời hạn cuối cùng, hợp đồng với khách hàng và nhà cung cấp, cam kết về tuân thủ luật pháp bao gồm tại các khu vực mà hàng loạt quy định mới đã được ban hành, khả năng làm việc với cơ quan quản lý nhà nước, các tiêu chuẩn bảo đảm công nghệ thông tin và các giải pháp bố trí công việc của nhân viên.
Hậu quả của đại dịch Covid-19 cũng yêu cầu các bên phải cân nhắc về điều khoản “thay đổi bất lợi nghiêm trọng”. Một cách khái quát, đây là điều khoản pháp lý thường được thiết kế trong hầu hết các hợp đồng M&A nhằm cho phép bên mua hoặc bên bán có quyền chấm dứt giao dịch hoặc yêu cầu bên còn lại phải sửa đổi các điều khoản và điều kiện của các hợp đồng dựa trên có sự thay đổi bất lợi đáng kể trong công ty mục tiêu hoặc triển vọng phát triển hoặc điều kiện kinh doanh của công ty mục tiêu, ảnh hưởng đến các bên tham gia thỏa thuận.
Theo pháp luật Việt Nam, điều khoản “thay đổi bất lợi nghiêm trọng” có cách tiếp cận tương tự quy định về “thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản” tại Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015. Theo đó, nếu có sự thay đổi hoàn cảnh cơ bản trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên thiệt hại do những nội dung thỏa thuận cũ được phép yêu cầu tiến hành đàm phán lại các điều khoản hợp đồng. Trong trường hợp các bên không thể thống nhất các điều khoản mới, một trong các bên có thể yêu cầu tòa án: (i) chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm cụ thể; hoặc (ii) sửa đổi hợp đồng để cân bằng lại các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo hợp đồng, phù hợp với sự thay đổi cơ bản của hoàn cảnh.
Tóm lại, một thương vụ M&A yêu cầu hàng loạt công việc được tiến hành trong thời gian dài với độ phức tạp cao. Những ảnh hưởng mà đại dịch Covid-19 gây ra cho một hoặc một số giai đoạn trong đó có thể dẫn đến nhiều thay đổi đáng kể cho các giai đoạn khác hoặc toàn bộ giao dịch. Đánh giá thấp ảnh hưởng của các thay đổi nhỏ đang diễn ra có thể dẫn tới hố sâu chôn vùi toàn bộ giao dịch của các bên trong tương lai. Do vậy, điều cần thiết lúc này là các bên phải có cái nhìn bao quát về những gì đang và có thể sẽ diễn ra, kể cả sau khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, để có những hành động kịp thời và phù hợp.
Theo Thesaigontimes