Hiểu Đúng Về Nhượng Quyền Thương Mại

Nhượng quyền thương mại có thể được hiểu là một thỏa thuận mà trong đó một bên đã phát triển một hệ thống để điều hành một doanh nghiệp cụ thể, cho phép bên khác sử dụng hệ thống đó.

Hiểu đúng về nhượng quyền thương mại, ví dụ từ Pizza Hut và KFC

KFC là một ví dụ điển hình về nhượng quyền thương mại

Đối với người tiêu dùng Việt Nam và trên thế giới, những cái tên như Pizza Hut hay KFC không hề xa lạ. Sau 70 năm kể từ ngày mở cửa hàng đầu tiên, thương hiệu KFC đã có gần 25 nghìn cửa hàng trên 146 quốc gia. Từ một cửa hàng được hai anh em Dan và Frank Carney tại Mỹ năm 1958, đến nay, Pizza Hut đã vươn mình trở thành thương hiệu toàn cầu với hơn 18.000 cửa hàng ở hơn 100 quốc gia.

Chìa khoá để các thương hiệu này đạt được những con số khổng lồ đó với độ phủ thương hiệu mang tính toàn cầu là nhượng quyền thương mại.

Nhượng quyền thương mại có thể được hiểu là một thỏa thuận mà trong đó một bên đã phát triển một hệ thống để điều hành một doanh nghiệp cụ thể, cho phép bên khác sử dụng hệ thống đó. Việc sử dụng này phải thực hiện theo quy định của bên nhượng quyền và phải trả một khoản phí nhất định.

Chẳng hạn, chi phí nhượng quyền Pizza Hut dao động từ 300.000 USD – 2,2 triệu USD. Chi phí nhượng quyền KFC dao động từ 1,3 triệu USD – 2,5 triệu USD.

Mối quan hệ này tiếp tục tồn tại khi bên nhận được nhượng quyền hoạt động phù hợp với các tiêu chuẩn và thực tiễn do bên còn lại thiết lập và giám sát, và nhận được sự hỗ trợ từ bên nhượng quyền.

Chẳng hạn, mỗi cửa hàng được KFC bảo hộ độc quyền trong vòng 1,5 dặm trở lại để bảo đảm quyền lợi kinh doanh cho cửa hàng được nhượng quyền. Việc hoàn thành thành công chương trình đào tạo ban đầu là bắt buộc đối với tất cả các nhà khai thác đủ điều kiện bên nhượng quyền.

Do đó, nhượng quyền thương mại liên quan đến một hệ thống mà bên nhượng quyền cho phép hoặc cấp li-xăng cho bên được quyền khai thác. Hệ thống trọn gói này bao gồm các quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến một hoặc nhiều nhãn hiệu, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế hoặc các tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, cùng với bí quyết kỹ thuật và bí mật kinh doanh có liên quan, sẽ được khai thác để bán sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ cho khách hàng.

Ngoài ra, hệ thống này cũng gồm nhiều yếu tố khác góp phần vào thành công của một doanh nghiệp như công thức và phương pháp chuẩn bị bữa ăn, thiết kế đồng phục của nhân viên, kiến trúc của các nhà hàng, kiểu dáng của bao bì và hệ thống quản lý và kiểm toán.

Mối quan hệ nhượng quyền thương mại có ba đặc trưng cơ bản.

Một là li-xăng sử dụng hệ thống. Đổi lại các khoản thanh toán được thỏa thuận, bên được nhượng quyền được phép sử dụng hệ thống nhượng đang hoạt động, được cấp li-xăng sử dụng hệ thống của bên nhượng quyền để tiến hành hoạt động kinh doanh.

Theo đó, hệ thống nhượng quyền sẽ được khai thác tại một địa điểm cụ thể, như nhà hàng hoặc cửa hàng được nhượng quyền và các địa điểm đó thường được gọi là đơn vị được nhượng quyền.

Hai là quan hệ tương tác tiếp theo. Mối quan hệ này sẽ tiếp diễn, liên quan đến việc bán sản phẩm được nhượng quyền (hoặc cung cấp dịch vụ được nhượng quyền) trong một thời hạn nhất định.

Bên nhượng quyền sẽ không ngừng hỗ trợ cho bên được nhượng quyền thành lập, duy trì và phát triển đơn vị được nhượng quyền. Về phần mình, bên được nhượng quyền tiếp tục phải trả phí cho bên nhượng quyền cho việc sử dụng hệ thống nhượng quyền hoặc thanh toán cho bên nhượng quyền đối với việc tiếp tục cung cấp các dịch vụ quản lý.

Ba là quyền quy định cách thức kinh doanh của bên chuyển nhượng. Bên được nhượng quyền đồng ý tuân thủ các chỉ dẫn về cách thức điều hành hệ thống do bên nhượng quyền quy định. Những chỉ dẫn này có thể liên quan đến việc kiểm soát chất lượng, bảo vệ hệ thống, giới hạn về lãnh thổ, các chi tiết liên quan đến việc điều hành và các quy định khác nhằm kiểm soát hoạt động của bên được nhượng quyền trong hoạt động nhượng quyền.

Li-xăng về nhãn hiệu thường là điều kiện chính trong hợp đồng nhượng quyền thương mại. Trong các hợp đồng nhượng quyền thương mại, mức độ kiểm soát của chủ sở hữu nhãn hiệu đối với bên được nhượng quyền thường cao hơn so với các hợp đồng li-xăng nhãn hiệu tiêu chuẩn.

Theo TheLeader

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise