Kinh doanh nhượng quyền – Kinh doanh truyền thống: Đâu là lựa chọn tối ưu?

Theo quan sát của tôi, nhượng quyền thương mại được xem là hình thức kinh doanh hiện đại và là xu thế kinh doanh trong nhiều lĩnh vực nói chung và ngành F&B nói riêng. Vậy hình thức kinh doanh này có những khác biệt nào so với kinh doanh truyền thống?

Đầu tiên, tôi muốn làm rõ khái niệm nhượng quyền thương mại (NQTM). Hiểu đơn giản thì đây là một thoả thuận kinh doanh, trong đó, bên nhượng quyền (franchisor) sẽ chuyển mô hình kinh doanh, nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ, bí quyết kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo cho bên nhận quyền (franchisee). Bên nhận quyền sau khi ký hợp đồng nhượng quyền (uniform franchise offering circular – viết tắt là UFOC) sẽ được phép kinh doanh ở một không gian địa lý nhất định, với mức phí nhượng quyền (franchise fee) và tỷ lệ phần trăm doanh thu định kỳ (loyalty fee) cho bên nhượng quyền trong khoảng thời gian theo thoả thuận.

Vậy đâu là những lợi thế của nhượng quyền thương mại so với kinh doanh truyền thống (KDTT)? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi sẽ điểm qua một số khía cạnh như:

  • Mô hình kinh doanh và mô hình hoạt động
  • Tài liệu, kế hoạch truyền thông – marketing
  • Rủi ro khi vận hành
  • Tính khả dụng của tài chính và cơ sở khách hàng.

NHỮNG LỢI THẾ CỦA NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU

Đầu tiên về mô hình kinh doanh, NQTM có mô hình được xây dựng sẵn, đã được kiểm nghiệm thành công và dễ dàng để bắt đầu, trong khi mô hình KDTT cần có thời gian thử nghiệm và đánh giá.

Ảnh: istock

Cụ thể, trong giai đoạn khởi tạo doanh nghiệp, NQTM có hệ thống, quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) như phương pháp thẩm định địa điểm kinh doanh, mua sắm nguyên vật liệu, thiết bị hay kế hoạch tuyển dụng quản lý, nhân viên và chương trình đào tạo… Hơn nữa, NQTM cho phép người nhận quyền hiểu rõ về chi phí khởi nghiệp cùng các yếu tố khác của việc điều hành. Điều này giúp việc lập kế hoạch tài chính và đưa ra quyết định kinh doanh dễ dàng hơn.

Còn trong KDTT, các hệ thống, quy trình và chính sách cần được phát triển, thiết kế và thực thi. Và mức độ rõ ràng về đầu tư vốn và các chi phí khác cũng khác hơn nhiều so với một doanh nghiệp NQTM.

Thứ hai là tài liệu tiếp thị và kế hoạch truyền thông. Tài liệu tiếp thị, ấn phẩm thiết kế sẵn có của NQTM đều đã được thử nghiệm và đạt được sự thành công nhất định. Các hoạt động tiếp thị và phát triển thương hiệu đều được bên nhượng quyền đảm nhiệm. Nhờ đó, bên nhận quyền có thể tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí cho việc triển khai các hoạt động trên. Còn khi KDTT, chủ doanh nghiệp cần chủ động lên kế hoạch, thực thi và hoàn thiện từng bước.

Thứ ba là về rủi ro kinh doanh. NQTM giúp giảm thiểu rủi ro do có mô hình kinh doanh đã thử nghiệm và triển khai ở nhiều khu vực địa lý. Bên nhận quyền được tuỳ chọn thực hiện thẩm định ban đầu bằng cách kết nối với nhóm nhượng quyền hiện hữu. Còn với KDTT, bạn khó có thể biết mức độ rủi ro cho đến khi triển khai thực tế và đánh giá hiệu quả.

Thứ tư, khi xét về tính khả dụng của tài chính, theo kinh nghiệm của tôi, các tổ chức và cá nhân cho vay, mượn nhận thường an tâm hơn khi tài trợ cho một doanh nghiệp NQTM so với một đơn vị KDTT. Vì mô hình kinh doanh NQTM đã được chứng minh và thử nghiệm, giúp gia tăng niềm tin ở họ.

Cuối cùng, về cơ sở khách hàng, NQTM có quyền truy cập vào cơ sở khách hàng có sẵn của một thương hiệu, hoặc mất tương đối ít thời gian để xây dựng cơ sở khách hàng với sự trợ giúp của bên nhượng quyền.

Ngoài 5 yếu tố chính kể trên, kinh doanh theo mô hình NQTM còn mang lại nhiều lợi ích khác. Chẳng hạn, hướng dẫn tiêu chuẩn hoá cho doanh nghiệp ở các khía cạnh của quản lý và vận hành hiệu quả sẽ được cung cấp bởi bên nhượng quyền. Còn khi hoạt động theo KDTT, bạn chỉ có thể huy động từ các nguồn trả phí như công ty tư vấn.

Một yếu tố không thể bỏ sót là đổi mới sản phẩm, dịch vụ. Việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), hoặc thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới được thực hiện bởi bên nhượng quyền sẽ giúp giảm thời gian và chi phí của người kinh doanh.

Nhìn chung, tôi tin những ưu điểm kể trên sẽ giúp rút ngắn thời gian khởi nghiệp của doanh nghiệp NQTM hơn KDTT.

Những hạn chế của nhượng quyền thương mại

Hình thức NQTM cũng có một số nhược điểm nhất định: hạn chế về khả năng kiểm soát, tính linh hoạt, và chi phí đầu tư cao.

Bên cạnh những lợi thế, tôi nhận thấy hình thức NQTM cũng có một số nhược điểm nhất định gồm: hạn chế về khả năng kiểm soát, tính linh hoạt, và chi phí đầu tư cao.

Về vấn đề hạn chế khả năng kiểm soát và tính linh hoạt, dựa trên quan sát trong quá trình làm việc, khi tiến hành kinh doanh, bên nhận quyền cần tuân thủ các điều khoản và điều kiện như thoả thuận. Do đó, mức độ kiểm soát mà bên nhận quyền có thể thực hiện với tư cách là chủ doanh nghiệp sẽ bị “pha loãng” so với doanh nghiệp truyền thống.

Thêm vào đó, bên nhận quyền cũng không thể linh hoạt sửa đổi, thay đổi mô hình kinh doanh, hoặc giới thiệu các sản phẩm mới trừ khi được bên nhượng quyền cho phép. Do đó, một doanh nghiệp toàn quyền sở hữu như KDTT mang lại sự linh hoạt cho chủ doanh nghiệp hơn.

Sau cùng là về vấn đề chi phí đầu tư. Kinh doanh NQTM liên quan đến phí NQTM trả trước và phí bản quyền, làm tăng khoản đầu tư ban đầu của doanh nghiệp.

Trên đây là những chia sẻ của tôi về ưu điểm cùng một số hạn chế của hình thức kinh doanh nhượng quyền mà tôi rút ra được dựa trên kinh nghiệm bản thân. Theo tôi, dù thành lập doanh nghiệp ở bất kỳ hình thức nào, các bạn cũng cần tính toán nguồn lực, khả năng tài chính và xem xét kỹ lưỡng những hạn chế trước khi bắt đầu.

Brands Vietnam (Đỗ Duy Thanh)

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise