Kinh Doanh Theo Chuỗi Cần Tránh Vết Xe Đổ ‘mở Nhanh Rồi Đóng Vội’

Câu chuyện CTCP Thế Giới Di Động sau khi rút bớt số cửa hàng Bách Hoá Xanh lại tiếp tục đóng cửa hai chuỗi AVA Fashion (thời trang) và AVAJi (trang sức) có thể là bài học cho hoạt động kinh doanh theo chuỗi. Những thay đổi hành vi tiêu dùng, tình hình tài chính không khả quan, tăng hàng tồn kho… khiến cho việc tăng cường độ phủ bằng chuỗi cửa hàng luôn là bài toán nan giải với các doanh nghiệp trước mối lo rơi vào “vết xe đổ” mở nhanh rồi đóng vội.

Hồi tháng 10 năm ngoái, khi mà “cơn bão” Covid-19 vẫn còn âm ỉ ở Tp.HCM, CTCP đầu tư Thế Giới Di Động đã hé lộ khả năng mở rộng sang những ngành mới, vượt khỏi mảng công nghệ.

Kết quả, chỉ sau hơn 2 tháng lên ý tưởng và xây dựng, những cửa hàng đầu tiên của cả 5 chuỗi mang tên AVA đã xuất hiện đồng loạt trên các trục đường lớn tại Tp.HCM.

Khó tránh chuyện đóng cửa

Vậy nhưng, đến tháng 7/2022, có 2 trong số 5 chuỗi bán lẻ AVA là AVA Fashion (chuỗi cửa hàng thời trang) và AVAJi (hệ thống bán lẻ đồng hồ, trang sức, mắt kính) đã phải đóng cửa do kinh doanh không hiệu quả.

Nhiều ý kiến cho rằng cứ nhìn vào đội ngũ nhân viên với lượng khách đến mua sắm bình quân mỗi tháng là biết tuổi thọ của hai chuỗi cửa hàng không phải thiết yếu này. Chưa kể, những sản phẩm ở đó có giá quá cao so với thu nhập của người dân đã chịu ảnh hưởng ít nhiều sau đại dịch Covid-19.

Kinh doanh theo chuỗi đang đòi hỏi các DN cần để tâm nhiều đến những thay đổi trong hành vi mua sắm của người tiêu dùng hiện nay.

Việc bán sản phẩm giá quá cao được cho là do đơn vị chủ quản – Thế Giới Di Động, thuê mặt bằng ở vị trí mặt tiền, vị trí đẹp, thuận lợi, nên tốn nhiều chi phí. Từ đó dẫn đến khó hấp dẫn người mua vốn có nhiều lựa chọn các nhà cung cấp có giá rẻ hơn, tiện ích hơn ở nhiều kênh mua sắm khác, nên việc kinh doanh kém hiệu quả như hai chuỗi nêu trên là khó tránh khỏi.

Vì vậy, việc mở nhanh rồi đóng vội của AVA Fashion và AVAJi đã cho thấy mặt hạn chế của nhà đầu tư trong kinh doanh theo chuỗi, nhất là trong giai đoạn đầu liên tục mở cửa hàng, tăng nhanh số lượng, địa điểm bán tương đối mà không có sự chọn lọc kỹ càng.

Và cũng không thể bao biện khi nói rằng mở ra rồi dẹp đi vì kém hiệu quả là chuyện bình thường trong kinh doanh theo chuỗi. Bởi, chi phí để mở ra những chuỗi cửa hàng như vậy không phải là nhỏ và cũng không phải là tuỳ hứng khi mà việc lên ý tưởng và triển khai xây dựng đã được thực hiện một cách bài bản trước đó.

Ngoài ra, việc mở nhanh rồi đóng vội như vậy cũng đang bộc lộ rõ những thay đổi trong hành vi tiêu dùng hiện nay. Theo nghiên cứu thị trường gần đây của Nielsen IQ và GoSELL, trong năm 2022 này, dù đã khống chế được dịch Covid-19 và bước vào giai đoạn “bình thường mới”, thế nhưng thay đổi trong nhu cầu mua sắm vẫn duy trì gần như nguyên vẹn.

Trong đó, đáng chú ý là với nhóm những người bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đặc biệt là về phương diện tài chính là nhóm khách hàng có tỷ lệ rời bỏ thương hiệu rất cao, vì họ cần tìm kiếm các nhà cung ứng sản phẩm giá rẻ.

Lo nợ nần, lại tăng hàng tồn kho

Đối với nhóm mới bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (là những người bị giảm thu nhập và cố gắng kiểm soát chi tiêu ở mức hợp lý nhất), dù không có tỷ lệ rời bỏ thương hiệu cao nhưng họ cũng có sự chuyển đổi thất thường giữa các thương hiệu.

Trong khi đó, nhóm không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nhưng cẩn trọng trong chi tiêu thì điểm an toàn của nhóm khách hàng này là trung thành với các thương hiệu chất lượng. Còn nhóm hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì sẽ giữ nguyên lòng trung thành với các thương hiệu có chất lượng vượt trội.

Bên cạnh những thay đổi như vậy, trao đổi với VnBusiness, một chuyên gia tư vấn hoạch định chiến lược của DN cho rằng, nguồn vốn có ảnh hưởng đến tính sống còn để duy trì hoạt động của các cửa hàng theo chuỗi. Trong khi đó, nếu nhìn vào tình hình tài chính của Thế Giới Di Động sẽ thấy điều đương nhiên mà họ cần làm là phải sắp xếp lại các chuỗi nếu không muốn tăng thêm nợ nần.

Như báo cáo tài chính hồi quý I/2022 cho thấy, con số nợ phải trả của Thế Giới Di Động tính đến cuối tháng 3/2022 là hơn 40.560 tỷ đồng, tức là gần gấp đôi vốn chủ sở hữu.

Vị chuyên gia này lưu ý, trong quá trình phát triển kinh doanh theo chuỗi, các DN cần có những kế hoạch dự đoán rõ ràng về dòng tiền, nguồn quỹ đầu tư hay lãi lỗ có thể xảy tới trong tương lai. Nếu không chuẩn bị kỹ lưỡng, phía DN rất dễ bị khủng hoảng tài chính. Nguồn vốn mỏng và không có đối tác hỗ trợ tài chính sẽ khiến DN đối diện với nhiều khó khăn không thể lường trước.

Ngoài ra, một rủi ro khác cho các DN kinh doanh theo chuỗi là nôn nóng trong việc tăng độ phủ điểm bán. Việc tăng Numeric Distribution (ND) – chỉ số đo lường mức độ “phân phối” hay “có mặt” của sản phẩm tại các điểm bán trên thị trường, được cho là sẽ phần nào làm tăng SCD (stock cover days) – chỉ số ngày tồn kho.

Bởi lẽ, nếu DN mở một cửa hàng mới thì phải tích trữ hàng hóa ở cửa hàng này. Nhưng cũng chính vì cửa hàng mở mới, lần đầu bán sản phẩm nên thường sẽ bán chậm hơn và điều này làm tăng chỉ số tồn kho cho toàn bộ nhãn hàng.

Trở lại trường hợp đóng bớt số cửa hàng Bách Hoá Xanh rồi chính thức đóng cửa 2 chuỗi AVA Fashion và AVAJi, nhìn vào con số giá trị hàng tồn kho của Thế Giới Di Động cũng cho thấy là cả áp lực rất lớn cho kinh doanh theo chuỗi. Cụ thể, tính đến hồi cuối tháng 3/2022, giá trị hàng tồn kho của DN này là hơn 32.587 tỷ đồng, tức là tăng thêm hơn 3.300 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2021.

Từ những con số “biết nói” như thế của Thế Giới Di Động để thấy rằng, việc tăng cường độ phủ khách hàng luôn là bài toán nan giải với các DN kinh doanh theo chuỗi. Các DN cũng nên xem đây là bài học để tránh đi vào “vết xe đổ” của chuyện mở nhanh rồi đóng vội.

Theo VNBusiness

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise