Làm gì để kinh doanh không gián đoạn vì Covid?

Làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ 4 quay trở lại, tác động tiêu cực với khó khăn chồng chất khó khăn, khiến doanh nghiệp Việt “mắc kẹt” trong bài toán quản trị, kinh doanh, đảm bảo sức khỏe người lao động…

Theo Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có tới 8.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Còn theo Báo cáo tác động của dịch Covid-19 với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) công bố mới đây cho thấy có tới 87,2% trong số 10.200 doanh nghiệp tham gia khảo sát chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” trước tác động của đại dịch.

Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch Covid-19 xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%) và chuỗi cung ứng (33%).

“3 CẦN VÀ 3 KHÔNG”

Câu hỏi lớn nhất đặt ra trong các doanh nghiệp Việt hiện nay là làm thế nào để có thể vượt qua được khó khăn thách thức của bão Covid, để đảm bảo hoạt động kinh doanh không bị gián đoạn?

Tại thời điểm này, mối quan tâm hàng đầu của các chủ doanh nghiệp là làm sao linh động, linh hoạt xây dựng các chương trình hành động để tìm cơ trong nguy, đảm bảo kinh doanh không bị gián đoạn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thực tế, mặc dù Covid tác động tới toàn bộ đời sống kinh tế xã hội, ở mọi ngành nghề lĩnh vực làm cho nhiều doanh nghiệp kiệt quệ nhưng cũng tạo động lực cho nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số, có cách làm mới, sáng tạo, để đảm bảo hoạt động kinh doanh được thông suốt, liền mạch.

Tại một tọa đàm trực truyến về kinh doanh không gián đoạn diễn ra cách đây ít hôm, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng trong 1,5 năm qua Covid 19 đã tác động vô cùng lớn đến doanh nghiệp ở tất cả các quy mô. Tại thời điểm này, mối quan tâm đầu tiên của các chủ doanh nghiệp là làm sao để linh động, linh hoạt xây dựng các chương trình hành động để tìm cơ trong nguy, đảm bảo kinh doanh không bị gián đoạn trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp với các doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc FPT khẳng định, “để đảm bảo kinh doanh liên tục phải có “3 cần” “3 không”.

Cụ thể, doanh nghiệp cần đảm bảo dòng tiền, cần ứng dụng công nghệ để triển khai cách làm mới và cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo tìm nguy trong cơ.

Đầu tiên, quan trọng nhất là dòng tiền. Quản trị dòng tiền và thông tin tài chính liên tục là một trong những điều cốt tử. Việc quản trị dòng tiền, đưa số hóa vào sẽ nhìn thấy doanh nghiệp rõ hơn, dự báo được làm gì trong thời gian tới. Biết được dòng tiền đến từ đâu và nghẽn để đưa ra quyết định kịp thời, là rất quan trọng bởi nếu số liệu đến chậm có thể sẽ gây ra một số hậu quả.

Thứ hai là làm sao tiếp cận được khách hàng, bán được hàng, đảm bảo an toàn sức khỏe cho cán bộ nhân viên và cuối cùng là chuỗi cung ứng có bị gặp phải vấn đề hay đứt gãy không…

Việc ứng dụng công nghệ, triển khai cách làm mới; phương thức tiếp cận mới; sản phẩm mới dựa trên công nghệ sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra các phân tích, dự báo chính xác dựa trên dữ liệu thực. Từ đó giúp doanh nghiệp đảm bảo được tốc độ, linh hoạt và sự liên tục trên tất cả các khía cạnh từ quản trị, tài chính, bán hàng đến nhân sự…

Bên cạnh “3 cần” để có thể thay đổi sâu từ bên trong, ông Khoa cho rằng, doanh nghiệp cần ưu tiên triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo ba “không”: Không bị động- Không gián đoạn- Không chạm”.

Theo đó, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng các kế hoạch, chương trình hành động giảm thiểu các tác động của đại dịch và đón đầu, sẵn sàng ứng biến trước những thay đổi của xã hội, thị trường, công nghệ…

Doanh nghiệp cần liên tục, linh hoạt triển khai các cách làm mới, nắm bắt cơ hội mới từ thị trường và ứng dụng công nghệ để nhanh chóng thích ứng, đảm bảo sản xuất, kinh doanh không gián đoạn, thông suốt trong quản trị, vận hành. Cùng đó, doanh nghiệp phải tăng cường tương tác đa kênh đảm bảo kết nối không tiếp xúc nhưng liền mạch, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng, đối tác, nhân viên dựa trên công nghệ.

CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CÁCH LÀM MỚI ĐỂ KHÔNG GIÁN ĐOẠN

Trước Covid, mỗi doanh nghiệp có những thách thức và khó khăn khác nhau nhưng chắc chắn giống nhau là mọi thứ đều bất định và phải thay đổi. Với những cách làm mới, sáng tạo, nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy cơ hội trong khó khăn, thách thức và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Để đảm bảo kinh doanh không gián đoạn trong thời điểm khó khăn này, thay vì “3 không”, công ty Cổ phần nhựa Binh Minh đã triển khai các giải pháp để đảm bảo “3 ít”: ít chạm, ít bị động và ít bị gián đoạn dựa trên công cụ số hóa và chuyển đổi số

Với những cách làm linh hoạt, chủ động thích ứng, năm 2020, doanh nghiệp này vẫn tăng được doanh thu 8%, lợi nhuận 24%, tăng thị phần 2%, vẫn đạt được mục tiêu giữ vững ngôi đầu, khẳng định được vị thế, thương hiệu, vai trò trên thị trường.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh chia sẻ, “Covid-19 có nhiều yếu tố tiêu cực nhưng với doanh nghiệp Việt Nam có một yếu tố tích cực là đẩy nhanh quá trình số hóa, chuyển đổi số. Năm 2021, công ty đã xây dựng slogan linh hoạt ứng phó để vượt lên thách thức.

Ngoài ra theo ông Ngân, đầu tiên là phải giải quyết được bài toán chủ động. Nhiều doanh nghiệp đã tiếp cận mô hình kinh doanh liên tục, nhưng trong điều kiện hiện nay kinh doanh liên tục chỉ là lý thuyết còn việc có đảm bảo được hay không lại phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài.

Trong khi tất cả các công ty đều khó khăn thì vấn đề là làm thế nào để lập được kế hoạch mang tính bền vững. Chính điều này buộc doanh nghiệp phải thay đổi. Doanh nghiệp chỉ dám xây dựng kế hoạch trong 3 tháng và thường xuyên phải cập nhật, thay đổi.

Ông Lê Thành Liêm, thành viên HĐQT, Giám đốc Điều hành Tài chính Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, đã có những quyết định thay đổi, ví dự như kế hoạch đầu tư để tối ưu hóa dòng tiền, quản trị vốn lưu động, hàng tồn kho…

Mặc dù công nghệ là một yếu tố quan trọng, nhưng trong bối cảnh hiện nay lo lắng nhất là sức khỏe của đội ngũ người lao động, đảm bảo sức khỏe cho họ thì mới có thể đảm bảo được kinh doanh không gián đoạn. Do đó, cần phải đào tạo huấn luyện để nhân viên tiếp cận những công cụ mới, thích nghi với bối cảnh hiện nay, ông Liêm nhấn mạnh.

Không chỉ các doanh nghiệp lớn phải thay đổi, chuyển mình, mà ngay các doanh nghiệp nhỏ cũng đẩy mạnh chuyển đổi số như một cách để vượt qua khó khăn thách thức. Bà Lâm Thị Kiều Oanh, Nhà sáng lập và Giám đốc Điều hành Twitter Beans Coffee cho rằng, chuyển đổi số không phải là một hành trình quá khó. Trước tiên doanh nghiệp cần phải làm rõ mục tiêu, bài toán quản trị muốn giải là gì; tiếp đến là yếu tố con người.

“Có rất nhiều nền tảng, giải pháp công nghệ phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải làm rõ bài toán đang gặp phải”, bà Oanh nhìn nhận.

VN ECONOMY

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise