Làm sao khơi dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ vượt khó

vốn cho doanh nghiệp nhỏ

Quản lý, tối ưu hóa chi phí và dòng tiền, làm sao tiếp cận được vốn bên ngoài để đảm bảo thanh khoản, duy trì và phát triển kinh doanh là mối lo hàng đầu của doanh nghiệp khi dịch bệnh đang tác động tiêu cực đến sự sống còn của doanh nghiệp.

Một khảo sát nhanh tại hội thảo trực tuyến do Hiệp hội nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) tổ chức hôm qua 21.5, cho thấy hầu hết các chủ doanh nghiệp hoặc nhà điều hành doanh nghiệp cho biết đang gặp nhiều áp lực về mặt tài chính do tác động của Covid-19. Trong đó hơn 50% cho rằng nếu không có nguồn tài chính bên ngoài, doanh nghiệp nhiều khả năng cầm cự chỉ trong 3-6 tháng tới.

Các áp lực tài chính chủ yếu đến từ chi phí cố định bao gồm mặt bằng và tiền lương, tiếp đến là việc thu hồi công nợ và lãi vay ngân hàng.

Một khảo sát của đại học kinh tế quốc dân Hà Nội công bố hồi đầu tháng 4 cho thấy ngoại trừ chi phí nguyên vật liệu mang tính đặc thù, các gánh nặng chi phí của doanh nghiệp tập trung nhiều vào nhân công và lãi vay.

Làm sao khơi dòng vốn cho doanh nghiệp nhỏ vượt khó - ảnh 1

Riêng chi phí lãi vay, kể từ tháng 3 Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, cơ cấu nợ, gia hạn nợ và tung các gói tín dụng lãi suất ưu đãi phục vụ nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Tổng quy mô gói tín dụng ước lên đến gần 300.000 tỉ đồng, tuy nhiên trên thực tế việc tiếp cận nguồn vốn này không dễ, đặc biệt với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông Phan Đình Tuệ, phó tổng giám đốc Sacombank, chưa bao giờ Chính phủ và cơ quan quản lý thực hiện những chính sách hỗ trợ quyết liệt như hiện nay. Tuy nhiên, gói tín dụng 300.000 tỉ đồng nếu không có cách tiếp cận đúng thì không thể sử dụng được. Vì vậy các doanh nghiệp cũng không nên quá kỳ vọng hay ỷ lại mà nên ý thức tự cứu mình bằng nội lực và kinh nghiệm thực tiễn.

Kể từ tháng 2, Sacombank đã tung gói ưu đãi 10.000 tỉ lãi suất giảm tới 2%, sang đầu tháng 4 điều chỉnh lãi suất tất cả các khoản cho vay mới. Nhưng đến đầu tháng 5, lãi suất các khoản vay mới bằng hạn mức cũ 5-6%/năm, thấp hơn mặt bằng huy động bình quân đầu vào của ngân hàng, áp dụng ba tháng từ 11.5.

Là chủ tịch hội đồng cơ cấu nợ Sacombank, ông Tuệ chia sẻ nhiều nguyên nhân khiến việc tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn. Các doanh nghiệp lớn đầu tư nguồn lực cho con người và công nghệ, năng lực quản trị tốt, trong khi đa phần doanh nghiệp nhỏ năng lực quản trị còn hạn chế, thiếu phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. “Trong khi đây là yếu tố được đánh giá cao khi tiếp nhận hồ sơ doanh nghiệp,” ông Tuệ nói.

Trong quan hệ tín dụng, một trong những yếu tố cần để có thể giải ngân là tài sản đảm bảo, nhưng không phải lúc nào ngân hàng cũng đánh giá trên bất động sản, mà có thể hàng hóa, tồn kho của doanh nghiệp nhưng phải chứng minh được nguồn thu, dòng tiền, đầu vào và đầu ra rõ ràng.

“Bên cạnh xem xét lịch sử tín dụng, ngân hàng dựa vào những yếu tố này để đánh giá doanh nghiệp làm ăn tốt không, dòng tiền có đảm bảo hoạt động kinh doanh và nguồn vốn ngân hàng liệu có thể giúp doanh nghiệp vượt khó,” theo vị phó tổng Sacombank.

Trong bối cảnh khó khăn, yếu tố trung thực, cởi mở, hợp tác là rất quan trọng. Nếu doanh nghiệp thực sự khó thì chia sẻ để cùng ngân hàng tháo gỡ, còn nếu cung cấp thông tin không chính xác ngân hàng cũng e ngại hỗ trợ lẫn hợp tác. Ông Tuệ nhấn mạnh đối với hồ sơ đáp ứng tốt thậm chí vừa được hỗ trợ lãi suất vừa được cấp tín dụng mới cho sản xuất.

Là người điều hành doanh nghiệp bao bì dược phẩm, bà Nguyễn Phụng Trân, tổng giám đốc Constantia Việt Nam cho biết do sản xuất trong lĩnh vực ít chịu tác động bởi Covid-19 nên thời gian qua không gặp nhiều áp lực về nguồn thu nhưng dòng tiền cũng trồi sụt và chi phí tăng lên, chủ yếu do khách hàng kéo dài công nợ, tồn kho tăng khiến dòng tiền bị ảnh hưởng.  

Bà Trân chia sẻ giải pháp trong khó khăn là tối ưu hóa chi phí và dòng tiền. Công ty đã phải rà soát lại hầu hết các chi phí nội bộ, xác định có những chi phí nào không làm ảnh hưởng đến dòng tiền và những chi phí ảnh hưởng để cải thiện tốt hơn trong dài hạn.

Đối với Constantia, chi phí lớn nhất ở nguyên vật liệu và nhân công, vì vậy các bộ phận vận hành theo dõi sát sao về hao hụt nguyên vật liệu. Đồng thời xem xét lại năng suất lao động của toàn hệ thống. Đối với bộ phận thu mua, Constantia tìm cách đa dạng nhà cung cấp, có thể đắt hơn trong mức chấp nhận được nhưng đảm bảo nguyên liệu sản xuất, tạo nguồn thu.

Theo bà Trân, bình thường công ty theo dõi doanh thu, lượng đơn hàng hằng ngày, theo dõi dòng tiền hằng tuần và rà soát báo cáo lãi lỗ, tình hình vốn lưu động hằng tháng. Nhưng ở “thời dịch bệnh” này cường độ tăng lên, theo dõi sát sao để biết được sản xuất nào tạo ra nguồn thu, sản phẩm nào không bán được từ đó điều chỉnh cơ cấu hàng tồn kho.

Việc truyền thông nội bộ và những cuộc họp giữa lãnh đạo với các phòng ban càng quan trọng hơn để thống nhất mục tiêu cho mọi hoạt động. “Khi tất cả ngồi lại cùng đánh giá thì sẽ hiểu sự liên hệ của từng bộ phận đến tình hình tài chính của công ty như thế nào, vướng mắc tại đâu để tháo gỡ tài chính cho công ty”, bà Trân nói.

Nhưng để tiếp cận được vốn, ông Tuệ cho rằng doanh nghiệp cần chú trọng quản trị tài chính trong đó con người và công nghệ là hai yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay trên thị trường cũng có bên thứ ba tham gia hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quản trị dòng tiền nhưng để xây dựng phương án kinh doanh phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp thì rất khó. “Doanh nghiệp muốn lớn lên phải chấp nhận đầu tư nguồn lực con người và công nghệ cho dài hạn”, ông Tuệ nhấn mạnh. 

Theo ForbesVietnam

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise