Mô hình kinh doanh của Starbucks tại Việt Nam

Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cho biết, những thách thức trong việc lựa chọn một địa điểm mới để mở cửa hàng phải được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo đúng chiến lược và mô hình kinh doanh của Starbucks tại Việt Nam.

mo-hinh-kinh-doanh-cua-starbucks-tai-viet-nam-1
Bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam

Tháng Hai năm nay đánh dấu kỷ niệm tròn bảy năm Starbucks có mặt tại Việt Nam với 63 cửa hàng ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Hải Phòng, trong đó bao gồm một cửa hàng sẽ được khai trương vào ngày 9/1/2020 tại Hà Nội.

Bảy năm lớn mạnh cùng những kết quả đã đạt được về kinh doanh với hơn 1.000 nhân viên tại 4 thành phố lớn của Việt Nam là điều khiến bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam cảm thấy rất hạnh phúc và “không thể than vãn về điều gì cả”. Bà cho biết đang hy vọng trong năm tới sẽ mở thêm một số cửa hàng, nghiên cứu thêm địa điểm tại các thành phố mới. 

Trong bối cảnh cạnh tranh diễn ra khá mạnh mẽ giữa các chuỗi kinh doanh cà phê trong và ngoài nước tại thị trường đầy tiềm năng như Việt Nam, dường như bà Patricia Marques khá tự tin khi cho rằng đường đi của Starbucks vẫn khác biệt mặc dù chưa thể khẳng định được khó khăn hay không. Bà Patricia cũng cho rằng, chính người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất lớn từ sự cạnh tranh này với nhiều lựa chọn và dịch vụ tốt hơn. 

“Starbucks rất vui với kết quả đạt được trong bảy năm qua. Theo kế hoạch, chúng tôi còn phát triển nhiều hơn nữa chứ không chỉ dừng lại ở đó. Tuy nhiên, nhanh hay chậm, nhiều hay ít tuỳ thuộc từng công ty. Các doanh nghiệp khác có thể đầu tư để phát triển với tốc độ nhanh hơn nhưng Starbucks cũng có cách phát triển riêng”, bà Patricia nói. 

mo-hinh-kinh-doanh-cua-starbucks-tai-viet-nam-2

Mặc dù nhiều khách hàng không ngừng bày tỏ mong muốn có thể thưởng thức đồ uống của Starbucks tại nơi họ sinh sống như Vinh, Quy Nhơn, Bắc Ninh hay Nha Trang nhưng với nữ tướng Starbucks Việt Nam, việc chọn lựa một địa điểm mới cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo được chiến lược và mô hình kinh doanh của hãng. 

Trong đó, một địa điểm mới phải đảm bảo tiềm năng gia tăng số lượng cửa hàng để có thể cân đối được chi phí, đặc biệt là chi phí kho vận. Bà Patricia lý giải, tất cả sản phẩm phải được đưa về một mối (thường là ở TP. HCM) trước hai tháng rồi mới làm các thủ tục, phân bổ ra các thị trường để đảm bảo tất cả cửa hàng trên toàn quốc đều có sản phẩm trong cùng một ngày. Chẳng hạn, không để xảy ra trường hợp phin pha cà phê mới chưa kịp chuyển về Vinh nên bán ở TP. HCM trước.

Đặc biệt, Starbucks kinh doanh theo chuỗi nên tất cả sản phẩm phải giống nhau. Do đó, Starbucks Việt Nam không thu mua cà phê trực tiếp từ thị trường. Cà phê nguyên liệu thô từ khắp nơi trên thế giới đều do công ty mẹ tại Mỹ thu mua thông qua các công ty thương mại, sau đó được mang về Mỹ, rang xay chế biến rồi mới phân phối đi khắp các công ty trên thế giới nhằm đảm bảo hương vị ở tất cả các cửa hàng đều đạt một chuẩn chung.

Công ty mẹ Starbucks hiện cũng thu mua cà phê arabica của Việt Nam, nhưng số lượng không nhiều vì Việt Nam dù có sản lượng cà phê đứng thứ hai thế giới song chủ yếu trồng robusta. Cà phê arabica mà Starbucks sử dụng có hương vị thanh hơn, không nồng như robusta. 

Ngoài ra, vấn đề nhân sự và đối tác cũng là yếu tố quan trọng cần cân nhắc. Thứ nhất, nếu một thành phố có 20 quán tương đương hơn 100 nhân sự thì sẽ có thể hỗ trợ lẫn nhau khi cần. Nếu chỉ có một quán đơn lẻ thì khi cần sẽ phải điều động nhân sự từ Hà Nội hoặc TP. HCM. Thứ hai, các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. HCM rất dễ tìm đối tác nhưng ở các thành phố khác thì chưa chắc tìm được người cung cấp bánh hay sữa có dịch vụ tốt nhất và đạt tiêu chuẩn chung như ở Hà Nội và TP. HCM. 

Tuy nhiên, bà Patricia nhìn nhận, thử thách thực ra cũng là cơ hội. Khi Starbucks mở ra các thị trường mới, nhân sự có cơ hội được trở về quê hương làm việc. Cơ hội phát triển, thăng tiến tại các thị trường mới này chắc chắn sẽ rất lớn. Mở một cửa hàng đầu tiên sẽ cần nhiều nhân viên nhưng đến cửa hàng thứ hai, thứ ba sẽ cần thêm người quản lý, giám sát…
mo-hinh-kinh-doanh-cua-starbucks-tai-viet-nam-3
Trong câu chuyện kế hoạch của Starbucks, bà Patricia cho biết rất vui khi sau bảy năm ấp ủ nhưng chưa chọn lựa được thiết kế ưng ý nhất, đến ngày 8/1/2020, hãng đã có thể cho ra mắt các thiết kế mới độc quyền, tôn vinh văn hóa Việt bao gồm phin pha cà phê Việt Nam, Bộ sưu tập ly cốc mang tên “Vietnam Been There” và thẻ Starbucks Việt Nam.

Lấy cảm hứng từ văn hóa cà phê Việt Nam, bộ phin pha cà phê Việt Nam được tái thiết kế từ chiếc phin truyền thống với cải tiến mới về thiết kế lẫn công năng nhưng vẫn có sự kết hợp hài hoà với các yếu tố phương Tây trong chất liệu. Trong khi đó, bộ sưu tập “Vietnam Been There” ghi dấu những hình ảnh mang tính biểu tượng của Việt Nam. Đặc biệt, Starbucks ra mắt thẻ Starbucks thiết kế độc quyền tại Việt Nam, khắc họa vẻ đẹp thanh cao của quốc hoa Việt Nam – hoa sen.

“Chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng của mình”, bà Patricia Marques khẳng định.

Theo TheLeader

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise