Ngành F&B: Bắt đầu nóng cuộc cạnh tranh lòng đường

Tác động của đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động offline bị ngưng trệ, nhiều chuỗi cửa hàng đồ ăn, đồ uống nổi tiếng đã tính đến phương án “xuống đường” bán hàng thay vì đầu tư mặt bằng hoành tráng. Các chuyên gia dự báo đây có thể sẽ là một xu hướng kinh doanh mới trong thời gian tới.

Thời gian vừa qua, nhiều quầy bán hàng lưu động, xe đẩy bán hàng đến từ các thương hiệu cà phê, đồ ăn nổi tiếng như: Highlands Coffee, McDonald’s, Ông Bầu, Otoke Chicken… xuất hiện trên phố đã đem lại nhiều bất ngờ. Bởi lẽ, bán hàng ở lề đường hay trên vỉa hè xưa nay vốn chỉ được những người bán hàng nhỏ lẻ ưa chuộng.

Ngành F&B: Bắt đầu nóng cuộc cạnh tranh lòng đường

Tuy nhiên, theo báo cáo mới công bố của JLL Việt Nam về bất động sản trong ngành F&B, nhiều chuỗi ẩm thực lớn của Việt Nam đang tìm đến mô hình ki-ốt và xe lưu động ẩm thực đường phố như một cách để thử nghiệm bán các món take away (mang đi) mà không phải lo nhiều về chi phí thuê nhân viên và mặt bằng.

Các chuyên gia cho rằng mô hình ẩm thực lưu động luôn đổi mới được dự đoán sẽ thu hút nhóm khách hàng luôn tìm kiếm sự mới lạ nhưng vẫn phù hợp với cuộc sống bận rộn, như giới trẻ thuộc nhóm tuổi Millenial và Gen Z. Chính vì vậy, mảng thị trường này sẽ được quan tâm nhiều trong thời gian tới.

Bà Trang Bùi – Giám đốc Thị trường JLL Việt Nam nhận định: “Những xe thực phẩm lưu động ngày nay cung cấp những nguyên liệu có chất lượng cao hơn và là những sản phẩm địa phương – giúp đánh tan định kiến đồ ăn lề đường kém an toàn thực phẩm. Dần dần chúng đã trở thành một cảnh tượng quen thuộc trên các con phố, trong trung tâm mua sắm và tại các lễ hội, thu hút một thế hệ người tiêu dùng yêu thực phẩm mới và thành công của mô hình này đang thúc đẩy những người thương hiệu khác làm theo để kéo thêm khách hàng mới”.

Hiện nay, không khó để tìm kiếm các xe bán hàng lưu động trên các con phố lớn hay dưới sảnh tòa nhà, chung cư. Theo một số người bán hàng, mô hình bán hàng bằng xe đẩy không chỉ giúp tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng, nhân viên mà còn đem lại nguồn khách hàng đa dạng, có thể nói là một mô hình “vốn ít, lời nhiều”.

Nhất là sau đại dịch Covid-19, chi phí mặt bằng là một trong những yếu tố nằm trong diện cắt giảm, chính vì vậy, mô hình bán hàng lưu động càng được nhiều người lựa chọn. Đơn cử như chuỗi cà phê Ông Bầu ra mắt ngay thời điểm dịch Covid-19 xuất hiện hồi đầu năm 2020, từ ban đầu đã tính đến mô hình bán cà phê trên xe đẩy. Đến nay, toàn hệ thống có 39 xe đẩy cà phê mang thương hiệu Ông Bầu, chủ yếu tập trung ở TP.HCM, Hà Nội, Cần Thơ… với cam kết đồng nhất về chất lượng và giá cả như cà phê tại quán.

Không chỉ với những thương hiệu lớn, một số startup trong lĩnh vực F&B cũng đã lựa chọn bán hàng lưu động để khởi sự kinh doanh. Anh Võ Hồng Nhân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, vừa cùng bạn bè góp vốn mở một “cửa hàng” cà phê kèm đồ ăn nhẹ nhỏ trên đường Phạm Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội). “Gọi là cửa hàng nhưng thực ra đó là một xe bán hàng lưu động, mình và bạn bè cùng góp vốn để mở. Địa điểm lựa chọn là dưới chân một tòa nhà có nhiều công ty làm việc. Bọn mình lựa chọn hình thức này bởi lẽ nó tiết kiệm chi phí bỏ ra ban đầu, đồng thời giảm được chi phí về nhân sự. Không chỉ vậy, dân văn phòng không có nhiều thời gian, vốn chỉ cần một ly cà phê hay một chiếc bánh mang đi nên mô hình này khá hợp lý”, anh Nhân chia sẻ.

Số liệu từ Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cũng cho thấy, tính đến 9 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố đã có 20.013 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố với 24.596 người tham gia kinh doanh, tăng 2.565 cơ sở và tăng 5.902 người tham gia kinh doanh so với cuối năm 2017. Điều đó cho thấy xu hướng kinh doanh trên đường phố đang ngày càng trở nên phổ biến.

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, thực chất kinh doanh dưới lòng đường hay trên vỉa hè không phải phương thức kinh doanh mới. Tuy nhiên, phân khúc bình dân này chưa được khai thác nhiều, nhất là bởi các ông lớn trong ngành F&B. Với xu hướng tiến tới đa dạng phương thức kinh doanh và tối ưu hóa các chi phí, việc bán hàng bằng các xe lưu động là một phương án hiệu quả.

Thế nhưng, việc kinh doanh trên vỉa hè luôn kèm theo những lo lắng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như gây mất mỹ quan cho các đô thị. Đây là vấn đề đặt ra đối với các cơ quan quản lý.

Theo Thoibaonganhang

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise