Ngành F&B Việt Nam: Sau cơn mưa trời lại sáng

VNDirect dự báo ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

Ngành F&B là mộ trong những nhóm chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, tức thì nhất từ đại dịch Covid-19. Ngay cả khi đại dịch kết thúc, “di chứng” để lại cũng khiến ngành F&B gặp nhiều khó khăn do sự thay đổi về cách thức kinh doanh và hành vi khách hàng.

Khi đại dịch bùng phát, các doanh nghiệp trong ngành F&B đối mặt với khó khăn trong nguồn cung nguyên liệu khi giá cả tăng cao. Việc cung cấp sản phẩm ra thị trường gặp vấn đề khi các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống tại chỗ phải dừng hoạt động do giãn cách xã hội kéo dài.

Theo khảo sát của Vietnam Report thực hiện, năm 2020 có gần 48% số DN trong ngành F&B Việt Nam không chịu tác động của đại dịch hoặc mức độ tác động ít, không đáng kể. Tuy nhiên, sang năm 2021, tỷ lệ DN chịu tác động ở mức nghiêm trọng lên đến hơn 91%.

Mặc dù vậy, mọi thứ được dự báo sẽ cải thiện trong năm 2022 này. Công ty chứng khoán VnDirect mới đây nhận định: “Sau cơn mưa trời lại sáng”, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022. Động lực cho sự tăng trưởng này đến từ việc mở lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

Dự báo dựa trên kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý 2 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. VnDirect cũng kỳ vọng tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10-12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ.

3 xu hướng chính sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh thu của ngành thực phẩm và đồ uống trong năm 2022. Đầu tiên, đó là sự thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng sang các thực phẩm tươi sống và đóng gói.

Theo khảo sát do Deloitte thực hiện nhằm đo lường kế hoạch chi tiêu của người tiêu dùng dưới ảnh hưởng của dịch Covid-19, 84% và 70% người tiêu dùng sẽ tăng chi tiêu dành cho thực phẩm tươi sống và thực phẩm đóng gói do nhu cầu tích trữ hàng hóa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát.

Theo Fitch Solution, chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu của Việt Nam ước tính sẽ tăng lần lượt 8,0% và 10,0% so với cùng kỳ trong 2022-2023, được thúc đẩy bởi sự điều chỉnh chi tiêu trong trạng thái “bình thường mới”, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu (thực phẩm và đồ uống không cồn, nhà ở & tiện ích). Trong đó, các hộ gia đình Việt Nam chủ yếu chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống không cồn (23%). Do đó, VnDirect tin rằng, xu hướng tiêu dùng mới này sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành F&B trong năm 2022.

Song song với đó, nhu cầu hàng tiêu dùng cao cấp đang gia tăng. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 17 về dân số với 100 triệu người và đang đạt tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất trong ASEAN với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2018-20 là 6,9%. Theo Fitch Solutions, thu nhập khả dụng trên mỗi hộ gia đình của Việt Nam sẽ đạt 6.848 USD vào năm 2024, với tốc độ tăng trưởng kép là 8,0% trong giai đoạn 2020-24.

Tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng và thu nhập khả dụng tăng sẽ làm tăng nhu cầu đối với sản phẩm cao cấp. Việc thu nhập bình quân đầu người tăng trưởng ổn định, đồng thời lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời sẽ giúp người dân tiếp cận gần hơn với các sản phẩm cao cấp. Họ trở nên hiểu biết hơn nhiều về những tiêu chuẩn cao cấp. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng sẽ ảnh hưởng đến nhận thức của người tiêu dùng về các vấn đề sức khỏe, do đó làm tăng nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe.

Các doanh nghiệp hưởng lợi từ xu hướng này có thể kể tới Masan Consumer. Đơn vị đã có sẵn vị thế vững chắc trong phân khúc sản phẩm cao cấp và là doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng này trong vòng một thập kỷ qua. Công ty được biết đến rộng rãi với các sản phẩm tiện lợi và gia vị cao cấp như Omachi Cup, Omachi Business Class, và nước mắm Chinsu với bao bì sang trọng.

Bên cạnh đó, Vinamilk, công ty sở hữu chuỗi sản phẩm đa dạng nhất Việt Nam (với hơn 250 sản phẩm – đáp ứng hầu hết các loại sữa cho mọi lứa tuổi và giới tính), cũng sẽ được hưởng lợi từ xu hướng này. Sản phẩm của Vinamilk bao phủ tất cả các phân khúc giá, bao gồm: giá bình dân, giá tầm trung và giá cao cấp.

Cuối cùng, các kênh bán hàng hiện đại sẽ tạo động lực tăng trưởng mới. Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng, tạo cơ hội cho các kênh phân phối hiện đại phát triển nhanh chóng khi người dân chọn mua sắm trực tuyến tại nhà và siêu thị với các sản phẩm đảm bảo về chất lượng và nguồn gốc. Năm 2020, các kênh bán lẻ hiện đại đã tăng trưởng ấn tượng, phủ khắp các thành phố lớn, và dần phủ rộng ra các vùng nông thôn trong khi kênh bán lẻ truyền thống vẫn được duy trì nhưng không còn phát triển mạnh mẽ.

VnDirect cho rằng các doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống với hệ thống phân phối hiện đại mạnh mẽ như Vinamilk và Masan Consumer có thể hưởng lợi từ điều này và tăng trưởng trong dài hạn.

Với Vinamilk vốn đã có sẵn lợi thế để tận dụng xu hướng này nhờ danh mục sản phẩm phong phú và mạng lưới phân phối rộng lớn. Vinamilk có hơn 500 cửa hàng bán lẻ kết hợp với website và ứng dụng mua hàng sẵn có, các cửa hàng này đã và đang giúp trải nghiệm mua sắm của người tiêu dùng được xuyên suốt giữa các nền tảng.

Đối với Masan Consumer, công ty này cũng có đầy đủ lợi thế bao gồm hệ thông siêu thị Vinmart có được thông qua việc hợp nhất với Vincommerce vào năm 2020. VCM đã có hai chuỗi bán lẻ hiện đại, bao gồm 123 siêu thị với thương hiệu VinMart và 2.231 cửa hàng tiện lợi với thương hiệu VinMart +.

THE LEADER (Trần Anh)

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise