Ông lớn Thái Lan đầu tư thêm 1,45 tỷ USD, nhận định Việt Nam là thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á

Central Retail đặt mục tiêu đầu tư tổng trị giá 50 tỷ baht (1,45 tỷ USD) trong giai đoạn 2023 – 2027 để tăng gấp đôi số lượng cửa hàng lên 600, có mặt ở 57/63 tỉnh thành của Việt Nam, theo chia sẻ từ Giám đốc điều hành Yol Phokasub. Khoản đầu tư này cao gấp 5 lần số tiền mà ‘đại gia’ bán lẻ Thái Lan đã chi cho thị trường Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2012 – 2022.

Central Retail Việt Nam (CRV) cũng đặt tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa kênh số 1 ngành thực phẩm và số 2 mảng bất động sản – Trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2027.

“Central Retail nhìn nhận Việt Nam là thị trường trọng điểm thông qua sự tăng trưởng kinh tế liên tục với tiềm năng mạnh mẽ. Công ty đã đạt được mức tăng trưởng nhảy vọt từ 300 triệu baht (8,7 triệu USD) vào năm 2014 lên 38,592 triệu baht (1,12 tỷ USD) vào năm 2021. Gần đây nhất vào năm 2022, công ty đã thành công đạt được doanh số bán hàng đóng góp 25% tổng doanh thu của Central Retail, trở thành nhà bán lẻ quốc tế lớn nhất tại Việt Nam, dẫn đầu thị phần mảng Đại siêu thị và đứng thứ 2 thị phần Trung tâm thương mại – Phong cách sống”, ông Yol Phokasub nhấn mạnh.

Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có quy mô 142 tỷ USD, có khả năng tăng lên 350 tỷ USD vào năm 2025.

Ông Yol Phokasub cũng cho biết, tập đoàn coi Việt Nam là một thị trường tiềm năng cao với kinh tế tăng trưởng liên tục, bất chấp những bất ổn của thế giới. Ông kỳ vọng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ đạt lần lượt là 6,7% và 7,2% vào năm 2023 và 2024, so với mức trung bình 3,5%/năm của Thái Lan trong hai năm tới. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú chia sẻ, sau đại dịch, bán lẻ của nước ta hồi phục nhanh chóng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 đã tăng gần 20%, vượt kế hoạch đề ra (8%). Có gần 54% các doanh nghiệp bán lẻ công bố đạt hiệu quả kinh doanh bằng hoặc vượt mức trước dịch.

Tiềm năng thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất lớn ở chỗ kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam hiện mới chiếm 25%, còn dư địa rất rộng lớn để phát triển. Số cửa hàng tự chọn như siêu thị mini hiện có 4.000 nhưng nếu so với Nhật Bản hay các quốc gia lân cận khác thì còn rất thấp.

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise