Thị trường không gian làm việc chung chờ ‘sóng’

Tại 2 đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, các đơn vị cung cấp không gian làm việc chung nhanh chóng xuất hiện và đẩy mạnh cuộc chạy đua mở rộng quy mô.

Được biết đến rộng rãi tại Việt Nam từ năm 2015 với sự xuất hiện của những cái tên như Toong hay Dreamplex, mô hình không gian làm việc chung (co-working space) ngày nay đã trở thành lựa chọn phổ biến của nhiều doanh nghiệp.

Nhờ lợi thế về chi phí cùng tính linh hoạt của các dịch vụ thuê không gian, đáp ứng tiện nghi, với những thiết bị, kĩ thuật hiện đại, tương tác và kết nối cao, co-working space đặc biệt phù hợp với cộng đồng khởi nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tại 2 đô thị sầm uất bậc nhất Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM, các đơn vị cung cấp không gian làm việc chung nhanh chóng xuất hiện và đẩy mạnh cuộc chạy đua mở rộng quy mô.

Báo cáo tháng 7/2019 của CBRE chỉ ra, thị trường co-working space trong nửa đầu năm 2019 vẫn đang trên đà tăng trưởng nhanh. Tại TP. HCM, trong quý 2, thị trường đã tiếp nhận thêm hơn 4.000 m2 diện tích sàn từ 5 địa điểm mới và dù mở rộng nhanh, hiệu suất hoạt động vẫn được ghi nhận rất tốt.

Con số này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm 2019, nâng tỷ lệ co-working space so với tổng nguồn cung văn phòng từ 2% trong Q2/2019 lên đến 5% vào Q4 2019.

Với việc nguồn cung tăng mạnh, giá thuê sẽ giảm nhẹ 3,9%, do các đơn vị muốn thu hút thêm khách thuê mới để lấp đầy số phòng trống còn lại của họ. Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy của phân khúc này vẫn đạt mức trung bình 80%.

thi-truong-khong-gian-lam-viec-chung-cho-song-1

Tỷ lệ lấp đầy của các co-working space luôn đạt mức trung bình 80%

Phong trào startup thúc đẩy mô hình không gian làm việc chung

Các yếu tố quan trọng thúc đẩy mô hình co-working space phát triển chính là sự bùng nổ mạnh mẽ của xu hướng khởi nghiệp. Khi mô hình không gian làm việc mới cung cấp giải pháp giúp tiết kiệm chi phí so với văn phòng truyền thống, trong khi mang đến sự linh hoạt, sáng tạo và tiện ích đa dạng đã trở thành sự lựa chọn hợp lý cho các khách thuê.

Trong các ngành nghề, ngành công nghệ thông tin/công nghệ là yếu tố thúc đẩy nhu cầu chính, chiếm 27% tổng số lượt hỏi thuê văn phòng mà CBRE nhận được.

Các công ty công nghệ hiện tại đã mở rộng nhanh chóng, trong khi các công ty mới từ Nhật và Hoa Kỳ cũng đang tìm kiếm địa điểm cho văn phòng mới. Với tình hình thị trường như vậy, co-working Space được dự báo sẽ mở rộng mạnh mẽ từ nửa cuối năm 2019.

Nhu cầu thị trường sẽ tiếp tục đến từ các nhà khởi nghiệp và người kinh doanh tự do, các doanh nghiệp nhỏ cả trong nước và quốc tế. CBRE đánh giá, nhu cầu tích hợp mô hình co-working space trong các tòa văn phòng truyền thống cũng bắt đầu xuất hiện, đòi hỏi các chủ đầu tư phải cân nhắc yếu tố lợi nhuận và văn hóa làm việc.

Ngoài những tên tuổi đã xuất hiện trên thị trường đã lâu, dự báo thị trường trong năm 2020 sẽ nhận thêm những nguồn cung mới như địa điểm thứ 4 của Dreamplex tại Thái Hà (Hà Nội), hay hàng loạt địa điểm mới của Cogo.

thi-truong-khong-gian-lam-viec-chung-cho-song-2

Năm 2020, thị trường sẽ đón nhận thêm những nguồn cung mới từ Dreamplex, hay Cogo

Lớn nhanh để thành “tiểu WeWork”?

Năm ngoái, WeWork – lá cờ đầu trong lĩnh vực co-working space sau khi nộp hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng đã phải hoãn kế hoạch IPO vô thời hạn. Kết quả kinh doanh bê bối trong suốt 3 năm liền khiến định giá startup rớt thê thảm từ 47 tỷ USD xuống còn 10 tỷ USD. Đồng thời, CEO Adam Neumann đã phải từ chức.

Trước những nghi ngại của thị trường về mô hình không gian làm việc chung, ông Dương Đỗ – nhà sáng lập Toong lạc quan, cho rằng đây vẫn là lĩnh vực kinh doanh tiềm năng. Trong đó, 50% doanh thu của Toong đến từ việc cho thuê lại không gian làm việc chung, sau đó là các không gian chức năng khác như: sự kiện, lớp học và phòng họp, hội thảo…

Bên cạnh đó là việc phát triển và quản lý mô hình co-working space cho các chủ nhà; tư vấn, quản lý chuyển đổi môi trường làm việc cho các tập đoàn. Một nguồn thu khác của co-working space đến từ việc Toong chủ động tuyển chọn và đưa vào không gian làm việc chung các shop từ bên ngoài với mục đích kinh doanh/trưng bày.

Còn theo Shark Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT Cenland, co-working space sẽ mở ra những phân khúc mới cho thị trường bất động sản. Và đây là phân khúc thị trường có nhu cầu thực, tập trung vào các yếu tố như: tránh lãng phí, tiết kiệm được tối đa chi phí thuê văn phòng và chi phí vận hành cho các doanh nghiệp

“Với đà tăng trưởng mạnh mẽ của phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam, mô hình co-working space đang ngày càng mở rộng. Điều này là dễ hiểu, bởi các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các startup và các nhóm khởi nghiệp rất cần địa chỉ làm việc lý tưởng. Họ cần không gian, cần môi trường để hiện thực hóa các ước mơ của mình”, ông Hưng nói.

Tin tưởng vào xu hướng đi lên của loại hình không gian làm việc chung, ông Jonah Levey – CEO Dreamplex dự đoán sẽ có hơn 25 không gian làm việc chung ở TP. HCM và Hà Nội vào năm 2024.

Tất nhiên, CEO của Dreamplex cũng khẳng định: “Để làm tốt lĩnh vực co-working, bạn không chỉ cần có vốn mà còn đòi hỏi quy mô để đảm bảo tính kinh tế. Nó không phải là lĩnh vực kinh doanh dễ dàng và tôi dự đoán các co-working nhỏ lẻ theo thời gian sẽ gặp khó khăn hoặc bị sáp nhập”.

Nguồn The Leader

Nhượng Quyền Thương Hiệu – VN Franchise

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise