Xu hướng kinh doanh O2O: Cuộc chơi của các đại gia F&B thời COVID-19

Nhìn lại năm 2020, xu hướng kinh doanh theo mô hình O2O (Online To Offline) được xem là một giải pháp tối ưu giúp các doanh nghiệp ngành F&B cải thiện doanh thu giữa những khó khăn do COVID-19. Bằng cách tận dụng nền tảng mua bán truyền thống kết hợp với dịch vụ mua bán trực tuyến, một số doanh nghiệp đã thành công vượt trội.

Tại buổi hội thảo “Hành trình trải nghiệm khách hàng O2O trong bán lẻ và F&B” được tổ chức bởi đơn vị tư vấn doanh nghiệp Babuki Consulting Firm, câu chuyện áp dụng mô hình O2O với các chuỗi cửa hàng thuộc ngành F&B một lần nữa trở thành chủ đề thảo luận hấp dẫn.

Sự kiện có sự tham gia của nhiều nhà sáng lập, CEO các ứng dụng công nghệ hỗ trợ trải nghiệm khách hàng O2O trong chuỗi cửa hàng thuộc ngành F&B như ông Đỗ Trung Thông (CEO Palexy), Trần Đức Tính (CEO Bách Việt Holdings), Nguyễn Hữu Đồng (CEO của KAS), Ngô Anh Ngọc (CEO Babuki),…

O2O tối ưu hóa, tinh gọn

Trước sự tác động của COVID-19, nhiều doanh nghiệp trong ngành F&B đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ xoay quanh sự thay đổi hành vi mua hàng của người tiêu dùng. Trong đó, mô hình O2O ngày càng được các doanh nghiệp quan tâm vì phần lớn người tiêu dùng muốn đặt hàng qua các kênh mua sắm trực tuyến để tiết kiệm thời gian và hạn chế tiếp xúc cộng đồng trong mùa dịch.

Các chuỗi nhà hàng của Golden Gate, doanh nghiệp F&B vốn “nói không với các dịch vụ đặt hàng online” cho chuỗi cao cấp như GoGi, Hutong, Manwah, cũng đã buộc phải thay đổi chiến lược. Bên cạnh đó, các chuỗi nhà hàng, cafe lớn khác như Phúc Long, RedSun, Starbucks, The Coffee House cũng phải đẩy mạnh đầu tư cho nền tảng đặt hàng trực tuyến vốn có của mình.

Ông Ngô Anh Ngọc, CEO Babuki chia sẻ về Xu hướng kinh doanh áp dụng mô hình O2O. 
Ông Ngô Anh Ngọc, CEO Babuki chia sẻ về Xu hướng kinh doanh áp dụng mô hình O2O.

Bên cạnh đó, mô hình này còn hỗ trợ doanh nghiệp kiếm thêm khách hàng. Thực tế, khi dịch bệnh xảy ra, người dân không đến cửa hàng mà chỉ ở nhà đặt qua ứng dụng hoặc gọi điện trực tiếp. Trước sự thay đổi hành vi mua hàng của khách hàng, các doanh nghiệp cần phải linh hoạt phối hợp với các nền tảng như Grap Food, Now, Baemin… để mang lại doanh thu.

Nói về việc O2O mang lại những cơ hội cũng như thách thức, anh Đỗ Trung Thông, CEO Palexy, cho rằng các doanh nghiệp ngành F&B tại Việt Nam rất thuận lợi để phát triển. Bởi hầu hết, họ đều có nền tảng sẵn là kinh doanh truyền thống, phục vụ tại chỗ. Điều này đã tạo được niềm tin nơi khách hàng vì họ đã được trải nghiệm thực tế sản phẩm. Nhờ vậy, việc họ quay lại ủng hộ và đặt hàng qua hệ thống trực tuyến sẽ cao hơn.

Cùng quan điểm trên, ông Ngô Anh Ngọc (CEO Babuki), đánh giá: “Hiện nay, các chuỗi thương hiệu lớn cũng đang hợp sức lại với nhau để chia sẻ không gian kinh doanh. Có nghĩa, các chuỗi này đang tận dụng trên một mặt bằng vừa bán tại chỗ, vừa giao hàng. Qua đó, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa, tinh gọn đầu tư và tăng doanh thu trên một địa điểm nhất định”.

Cuộc chơi của những chuỗi F&B có sẵn nền tảng 

Sau COVID-19, thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên các sàn thương mại điện tử được diễn ra mạnh mẽ hơn. Trong sự thay đổi đó, khách hàng của ngành F&B cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, mặc dù hình thức mua sắm có sự chênh lệch nhất định nhưng theo ông Anh Ngọc, với mô hình O2O, việc mua bán tại cửa hàng vẫn chiếm phần quan trọng hơn so với trực tuyến.

Tại buổi hội thảo, đa số các CEO đều cho rằng kinh doanh trực tuyến đang là xu hướng nhưng các doanh nghiệp không nên “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào”, đặc biệt là trong giai đoạn COVID-19.

Chuỗi cửa hàng cà phê và trà Phúc Long là một trong những doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình O2O. Ảnh: CafeBiz.
Chuỗi cửa hàng cà phê và trà Phúc Long là một trong những doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình O2O. Ảnh: CafeBiz.

“Mô hình O2O thật sự chỉ phát triển mạnh mẽ ở những chuỗi bán lẻ và F&B vì họ có sẵn nền tảng kinh doanh trực tiếp tại cửa hàng. Các doanh nghiệp cần nhìn nhận rõ, việc triển khai thêm dịch vụ giao hàng chỉ là cung cấp thêm cơ hội trong quá trình kinh doanh cũng như thêm trải nghiệm cho khách hàng để họ có thể sử dụng sản phẩm mà không cần đến cửa hàng.

Theo đó, một số chuỗi bán thức ăn nhanh và đồ uống phù hợp cho việc mang đi là những đơn vị tận dụng hiệu quả nhất. Điển hình là chuỗi trà và cà phê Phúc Long”, CEO Babuki nhận định.

Là một người có nhiều năm kinh nghiệm ở vị trí quản lý cấp cao trong các chuỗi F&B lớn như KFC, Golden Gate… và hiện tại đang vận hành Công ty Bách Việt Holdings, kết nối các đơn vị đầu tư, vận hành các chuỗi F&B, ông Trần Đức Tính chia sẻ, đối với một số doanh nghiệp COVID-19 tạo nên thời thế. Do không có khách hàng và không còn sự lựa chọn nào khác, họ chuyển từ kinh doanh trực tiếp sang trực tuyến.

Tuy nhiên, thời thế chỉ ngắn hạn, qua giai đoạn đại dịch thì các doanh nghiệp vẫn phải quay về bản sắc truyền thống.

Ông Trần Đức Tính, CEO Bách Việt Holdings trong buổi chia sẻ về
Ông Trần Đức Tính, CEO Bách Việt Holdings trong buổi chia sẻ về “Hành trình trải nghiệm khách hàng O2O trong bán lẻ và F&B”.

Với góc nhìn của ông Đức Tính, kênh bán trực tuyến chỉ là một giải pháp tối ưu hóa vòng xoay của sản phẩm đối với việc kinh doanh tại cửa hàng. “Cụ thể, trên một mặt bằng cho dù bạn kinh doanh online hay offline bạn cũng phải trả tiền thuê mặt bằng, hệ thống nhân sự vẫn hoạt động bình thường, chi phí cơ sở vật chất vẫn thanh toán. Khi đó, áp dụng online sẽ giúp tối ưu hóa một phần doanh thu”, CEO Bách Việt lưu ý.

Như vậy, các doanh nghiệp cần cân nhắc xem ngành hàng kinh doanh của mình có phù hợp để kinh doanh theo mô hình trực tuyến hay không vì nó có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận và phí vận hành. Theo đó, ông Tính cũng đưa ra lời khuyên dành cho các doanh nghiệp ngành F&B, khi cân đối tỷ lệ áp dụng mô hình O2O nên tham chiếu theo tỷ lệ là 80% phục vụ tại cửa hàng và 20% dịch vụ giao hàng.

‘Hứa hẹn tăng trưởng mạnh mẽ’

Trước COVID-19, xu hướng mua sắm chính vẫn là trải nghiệm trực tiếp vì người tiêu dùng thích mua và lựa chọn sản phẩm tại cửa hàng, chiếm tỉ trọng cực kỳ lớn. Sau COVID-19, xu hướng này đã thay đổi nhưng các doanh nghiệp cũng không thể chuyển đổi quá nhanh vì những vấn đề liên quan đến doanh thu, khách hàng và quy mô đầu tư.

Với những thách thức mang tính chuyển đổi đó, ông Ngọc cho biết, các doanh nghiệp cũng đã ngồi lại với nhau, bàn bạc về một hướng đi mới, mô hình mới để chuẩn bị sẵn sàng hơn cho mục tiêu năm 2021.

 Mô hình O2O là xu hướng kinh doanh của các chuỗi F&B tận dụng trong tương lai. Đặc biệt là các nhóm phục vụ đồ uống và thức ăn nhanh. 
 Mô hình O2O là xu hướng kinh doanh của các chuỗi F&B tận dụng trong tương lai. Đặc biệt là các nhóm phục vụ đồ uống và thức ăn nhanh.

Nhìn nhận về những tiềm năng mà mô hình O2O đem lại cho các chuỗi F&B, trong tương lai gần, O2O sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp F&B tinh gọn lại vấn đề mở rộng chuỗi, giúp các cửa hàng tích hợp tốt hơn.

Theo đó, dựa trên nền tảng có sẵn cửa hàng, xu hướng kinh doanh trực tuyến sẽ được đẩy mạnh phát triển hơn. Anh Ngọc cho biết: “Bất chấp COVID-19, các doanh nghiệp F&B hiện nay vẫn đang cạnh tranh nhau để đưa ra các gói trải nghiệm hấp dẫn mang đến cho người tiêu dùng. Với những tính năng mang tính trải nghiệm tiện ích và nhanh gọn, người dùng không có lý do gì để từ chối”.

“Nếu nói mô hình O2O năm 2020 tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển thì năm 2021 hứa hẹn sẽ tăng trưởng mạnh mẽ”, CEO Bakuki đánh giá.

Không chỉ trải nghiệm sản phẩm, người tiêu dùng còn trải nghiệm dịch vụ

O2O (Online To Offline) là mô hình kinh doanh bán lẻ kết hợp cả hình thức Online và Offline. Đây là mô hình mà doanh nghiệp sẽ sử dụng các công cụ trực tuyến để tiếp cận và từ đó tác động vào hành vi mua sắm của khách hàng để tăng trưởng doanh thu.

Để tận dụng tối ưu mô hình kinh doanh O2O, các doanh nghiệp chuỗi F&B cần quan tâm đến 2 điều. Thứ nhất về quy trình đảm bảo được chất lượng sản phẩm từ cửa hàng đến người dùng, và điều này sẽ tùy thuộc vào khả năng của từng doanh nghiệp. Giá trị cốt lỗi của ngành F&B là ăn và uống vì thế chất lượng là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Thứ hai là thái độ phục vụ. Với xu hướng phát triển như hiện nay, người tiêu dùng họ không chỉ trải nghiệm sản phẩm mà còn trải nghiệm cả dịch vụ. Ông Trần Đức Tính chia sẻ: “Bằng cách nào đó, doanh nghiệp phải truyền đạt được cho người giao hàng hiểu được tầm quan trọng về hình ảnh, bản sắc, phong cách của thương hiệu mình đến với khách hàng. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phải đầu tư thêm về bao bì sản phẩm, cách đóng gói, cách bảo quản thực phẩm”.

Bên cạnh O2O, sau đợt dịch COVID-19 một số thương hiệu F&B cũng đã sáng tạo thêm mô hình giao đồ ăn kèm với dụng cụ nấu hay còn gọi là dịch vụ phục vụ tại nhà, để tạo việc làm và duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, có thể kể đến là thương hiệu của Golden Gate.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có khoảng 10 doanh nghiệp áp dụng dịch vụ phục vụ tại nhà này. Cụ thể, ngoài việc giao đồ ăn như mọi khi, họ còn tự thiết kế một chiếc họp đựng các dụng cụ nấu nướng với quy mô nhỏ cho nhóm từ 8-10 người, và phục vụ tại chỗ theo yêu cầu của khách hàng.

Theo: Cungcau

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise