Bài Học Đắt Giá Về “cổ Phần, Hùn Hạp” Kinh Doanh

“Việc làm ăn hợp tác kinh doanh đối với các công ty nhỏ, các hội nhóm nhỏ dường như rất tốt khi mới bắt đầu nhưng 90% sẽ tan vỡ sau 1 thời gian vì “không rõ ràng”.

Là ông chủ của chuỗi nhà hàng Thái, sở hữu 3 thương hiệu (Thai Market, MorFai, Pi Thai) với hệ thống 15 nhà hàng tại 4 thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP.HCM, anh Lê Thái Hoàng được biết đến là người khá thành công trong ngành kinh doanh nhà hàng ẩm thực, đồ uống (F&B).

Trong 10 năm khởi nghiệp, anh Hoàng cho biết, anh cũng từng trải qua thất bại để nhận được bài học “nhớ đời”.

Anh Lê Thái Hoàng, CEO của chuỗi nhà hàng Thai Market

 

“Đáng lẽ câu chuyện này tôi sẽ chôn sâu suốt đời không khui ra đâu nhưng tôi nghĩ nên chia sẻ vì đó là bài học và kinh nghiệm giúp các bạn trẻ mới ra đời kinh doanh, đặc biệt các trường hợp hùn hạp, cổ phần sẽ nhất định gặp phải”, anh Hoàng chia sẻ.

Xuất phát từ anh công nhân xây dựng, bằng sự nỗ lực của bản thân anh Hoàng trở thành chủ thầu xây dựng.

Năm 2012, anh rẽ hướng sang kinh doanh nhà hàng ăn uống và Thai Market ra đời từ đó.

Chỉ sau 7 tháng kinh doanh ổn định, anh Hoàng tiếp tục mở nhà hàng Thai Market thứ 2 ở Đà Nẵng. Cả hai nhà hàng đều đông khách nên năm 2013, anh quyết định mở thêm nhà hàng thứ ba.

Tiếp đó, năm 2015, anh mở nhà hàng thứ 4 tại phố cổ Hội An. Sau khi mở ra, anh vướng vào bài toán quản lý chất lượng và nhân sự vì không thể có mặt thường xuyên ở Hội An. Tình cờ, anh gặp một người hay ghé nhà hàng thưởng thức món ăn và ngỏ lời muốn hợp tác. Anh đã tin vào bức tranh mà đối tác vẽ ra về con đường phát triển của hệ thống nhà hàng Thái tương lai.

“Sau rất nhiều vòng thương lượng từ 25% cổ phần tăng lên 50% và một cú lừa định mệnh để rồi tăng lên 51% cổ phần với định giá thấp hơn 50% số tiền ban đầu đưa ra, cộng với công sức mà anh ta hứa sẽ bỏ ra. Sau đó, anh ta kéo luôn đội ngũ nhân sự ra mở một nhà hàng tương tự giống Thai Market đến 99%, từ cách đặt tên, hình ảnh logo, đến cả menu…”, anh Hoàng kể.

Bài học rút ra là mọi thứ cần được quy về giá trị có thể đo lường được kể cả thời gian, công sức, giá trị thương hiệu, giá trị mối quan hệ… mới đem ra chia thành cổ phần, cổ tức.

 

Sau 7 tháng, đối tác đồng ý bán hết toàn bộ cổ phần để rút ra khỏi Thai Market với giá gần gấp đôi. Tuy nhiên, sau khi nhận đủ tiền, anh ta trút giận lên trang fanpage của Thai Market, xoá page. Cay đắng hơn là âm thầm lấy logo, thương hiệu của anh đi đăng kí bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vì vậy mà anh phải mất nhiều thời gian, thuê luật sư kiện tụng mới lấy lại được thương hiệu của mình.

“Trong hai năm 2016-2018, khoảng thời gian suy sụp đó, có nhiều đêm tôi lái xe ra ngoài biển hoặc lên đèo uống bia một mình, hét đến khản cổ vì những bài học đã trải qua… Nào là thất vọng về bản thân, nào là hoài nghi về năng lực, nào là kết quả kinh doanh tụt dốc, vợ chồng cãi nhau… đủ các kiểu. Nhưng tất cả rồi cũng trở thành trải nghiệm cần trải qua, cuối cùng mình cũng cảm thấy nhẹ lòng và tha thứ tất cả”, anh Hoàng nói.

Sau gần 2 năm sau ngày “chia tay” đối tác, anh Hoàng sốc lại tinh thần, đi học thêm các khoá học để trau dồi kiến thức và lấy lại được thương hiệu của mình.

CEO của Thai Market chia sẻ, sau câu chuyện này anh rút ra một bài học lớn đó chính là lỗi của bản thân thiếu kiến thức để họ lợi dụng.

Nếu muốn đỡ bị lừa thì phải trang bị kiến thức để họ nói cái gì không hợp lý mình còn biết mà từ chối, đừng chỉ có trách đời hay trách người khác.

Theo anh Hoàng, việc làm ăn hợp tác gần như là điều không thể tránh khỏi đối với các công ty nhỏ, các hội nhóm nhỏ. Điều đó gần như là tốt khi mới bắt đầu nhưng sẽ 90% tan vỡ sau 1 thời gian vì yếu tố “không rõ ràng”.

Lỗi này thường gặp là do cả hai bên chứ không phải là do hoàn toàn bên nào cả, chỉ có những trường hợp có đối tác tham lam thì thường sẽ phát sinh mâu thuẫn và tan rã là điều tất yếu. Thương hiệu và lời hứa là hai thứ rất khó đo lường. Người bán thì muốn giá cao, người mua thì muốn giá thấp nhưng tất cả các bên lại rất hay đưa vào để thương lượng.

Thành hay bại cũng từ đây mà ra. Bài học rút ra là mọi thứ cần được quy về giá trị có thể đo lường được kể cả thời gian, công sức, giá trị thương hiệu, giá trị mối quan hệ… mới đem ra chia thành cổ phần, cổ tức.

Ngoài ra, một yếu tố vô cùng quan trọng nữa là hãy chỉ làm ăn với những người có cùng văn hoá vì trước sau gì cũng có mâu thuẫn, văn hoá là thứ cuối cùng níu kéo lại mối quan hệ con người với con người.  Kết thúc một mối quan hệ làm ăn chứ không phải kết thúc mọi mối quan hệ.

Theo Infonet

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise