Kamereo: Người Nhật đi chợ cho người Việt

Nguồn hình

Ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) phát triển đã kéo theo lượng lớn nhu cầu thực phẩm cho các nhà hàng. Nhìn thấy tiềm năng này, chàng trai người Nhật Taku Tanaka đã thử sức với startup Kamereo, một nền tảng thương mại điện tử cung cấp thực phẩm theo mô hình B2B tại Việt Nam.

F&B Việt tiềm năng nhưng vẫn thiếu

Ngành F&B ở Việt Nam được dự báo có thể sẽ tăng trưởng bình quân 18%/năm và đến năm 2023, doanh thu có thể tăng hơn gấp đôi đạt xấp xỉ 408 tỉ USD. Nguyên nhân là người Việt Nam ngày càng giàu lên với 33 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và khá giả vào năm 2020, theo Boston Consulting Group, cộng với công việc bận rộn nên ăn nhà hàng nhiều hơn.

Dù vậy, theo anh Taku Tanaka, vì các nhà hàng tại Việt Nam vẫn hoạt động theo mô hình nhỏ lẻ, nên họ chủ yếu phải tự đi lấy thực phẩm từ các chợ đầu mối, rất mất thời gian và công sức. Hoặc họ sẽ nhờ trung gian, mối quen từ các vùng quê, nên rất khó kiểm tra chất lượng và không đảm bảo đủ lượng cung.

Từng đảm nhiệm vị trí Giám đốc Điều hành Pizza 4P’s tại Việt Nam từ năm 2015, Taku Tanaka rất hiểu những khó khăn đó, nên năm 2018, anh đã quyết định tự khởi nghiệp với Kamereo, một hệ thống nền tảng cho phép các nhà hàng vừa và nhỏ có thể mua các mặt hàng cơ bản trực tiếp từ nhà cung cấp.

Anh Taku Tanaka, sáng lập và CEO của Kamereo, chia sẻ: “Kamereo ra đời nhằm cắt giảm khâu trung gian, cho phép các doanh nghiệp tối ưu hóa quá trình thu mua, tiết kiệm và tái đầu tư nguồn lực tài chính cho doanh nghiệp”.

Kamereo ban đầu hỗ trợ nhà hàng đặt thực phẩm với nền tảng kết nối nhà cung cấp các mặt hàng đa dạng như loại thịt, rau, gia vị, trứng, phô mai, đồ dùng gia đình…Sau thời gian hoạt động, Kamereo nhận thấy nhiều nhà hàng gặp khó khăn trong quản lý số lượng, chất lượng và giá thành nguồn hàng… đặc biệt cho ngành hàng nông sản. Vì vậy, Công ty quyết định triển khai giải pháp cung ứng nguồn hàng nông sản cũng như các mặt hàng thiết yếu khác trực tiếp cho nhà hàng thông qua nền tảng phát triển từ đầu.

Với đội ngũ công nghệ, đứng đầu cũng là một sáng lập viên là người Nhật, nền tảng của Kamereo rất dễ dàng sử dụng cộng với việc tính toán lượng cung cấp cần thiết cho các nhà hàng, và tối ưu hóa quãng đường giao đồ một cách nhanh nhất cho nhà hàng.

Anh Taku Tanaka cho biết, Kamereo chỉ có một kho hàng khoảng 50 m2 tại TP.HCM, tất cả là nhờ công nghệ sắp xếp đơn hàng của đội ngũ mà thực phẩm chuyển tới sẽ được chuyển đi ngay đến các nhà hàng, không gây tồn đọng, nên luôn là đồ mới và rất ít trường hợp phải bỏ đi.

Hơn nữa, nhờ mạng lưới các nhà cung cấp có sẵn, nền tảng có cơ sở để thương thảo giá và cung cấp thực phẩm với mức phải chăng và rất cạnh tranh, nhằm tạo sự tin tưởng và lòng trung thành.

Mở rộng sang B2C

Trong năm 2020, do dịch COVID-19, Kamereo ngay lập tức có bước tiến mới để mở rộng hệ sinh thái sang mô hình B2C với KameMart, nền tảng mua sắm thực phẩm trực tuyến dành cho người tiêu dùng. Nhờ có sẵn nền tảng, KameMart có nhiều lợi thế về giá cả và chất lượng thực phẩm hơn so với các tính năng đi chợ hộ của Grab, Now…

Anh Taku Tanaka cho biết thêm: “Để đảm bảo độ tươi ngon của thực phẩm, tất cả các đơn hàng sẽ được xác nhận trước 22H mỗi ngày và giao vào hôm sau. KameMart giao hàng trong khung từ 9-18g. Khách hàng có thể chọn khung giờ nhận phù hợp”.

CEO người Nhật tự tin nói: “Kamereo đang có những bước đi sớm hơn so với các doanh nghiệp lớn trong ngành cung cấp thực phẩm tại Việt Nam, chúng tôi đang cố gắng mở rộng thật nhanh để chiếm lĩnh thị trường trước, nhờ công nghệ cùng mạng lưới các nhà cung cấp”.

Sau hơn 2 năm chính thức đi vào hoạt động, Kamereo đã có hơn 400 nhà hàng là khách hàng trung thành như 4P’s, El Gaucho, L’Usine… cùng tỉ lệ quay lại sử dụng dịch vụ lên tới hơn 90%. Trong đó, 50% nhà hàng là các nhà hàng nước ngoài, như một chứng nhận về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Trước đó vào năm 2019, Kamereo đã nhận vốn đầu tư 500.000 USD từ 2 quỹ đầu tư Genesia Ventures (Nhật) và Velocity Ventures (Việt Nam). Trong năm 2021 này, Kamereo dự định sẽ gọi thêm vốn và mở rộng khu vực hoạt động ra Hà Nội, trong đó mục tiêu chính vẫn là tập trung vào mảng B2B. Anh Taku Tanaka cho biết đội ngũ của Công ty đã sẵn sàng tập trung vào việc tăng trải nghiệm của khách hàng, đồng thời vận hành nội bộ một cách tối ưu.

Theo NHỊP CẦU ĐẦU TƯ

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise