Nhiều Nhà bán lẻ chuyển từ đầu tư sở hữu sang nhượng quyền ở Việt Nam

 

Thị trường bán lẻ Việt Nam đã chứng kiến sự tham gia mạnh mẽ của các thương hiệu trong nước và nước ngoài trong những năm qua. Tuy nhiên diễn biến gần đây cho thấy các nhà bán lẻ đang có xu hướng thay đổi chiến lược. Thay vì đầu tư trực tiếp để sở hữu cửa hàng kinh doanh, các nhà bán lẻ,nhất là nhà bán lẻ nước ngoài đang có xu hướng chuyển sang nhượng quyền thương mại. Ảnh hưởng của nhượng quyền thương mại lên sự phát triển chung của thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng rõ nét.

Có các lý do khác nhau cho sự chuyển hướng kinh doanh này nhưng trong số đó một phần là do khó khăn phát triển điểm kinh doanh mới nhưng cũng có doanh nghiệp là nhằm phát triển nhanh hệ thống điểm bán.

Câu chuyện Emart hoàn tất chuyển nhượng siêu thị duy nhất của mình tại TPHCM cho Thaco Group vào tháng 9/2021 đã đánh dấu nhà bán lẻ này rẽ hướng đi nói trên sau nhiều năm nỗ lực tự phát triển điểm bán bị thất bại. Thay vào đó, Emart nhượng quyền thương mại cho Thaco, trong đó Thaco sẽ chịu trách nhiệm điều hành, quản trị và mở rộng siêu thị Emart. Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco, cho biết sẽ mở thêm 7 điểm Emart vào năm 2025.

Cũng phát triển theo hướng nhượng quyền, liên doanh giữa GS Retail và Sơn Kim Group đang triển khai nhượng quyền cửa hàng GS25 cho các nhà đầu tư thứ cấp để phát triển nhanh điểm bán, có thể đạt tới mục tiêu 10.000 cửa hàng so với hơn 200 cửa hàng hiện nay.

Hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K hiện có hơn 450 cửa hàng trên toàn quốc. Công ty cổ phần Seven System Việt Nam là đơn vị Master Franchise của Circle K tại Việt Nam.

Với nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM – Saigon Co.op, sau nhiều năm thành công với mô hình cửa hàng tiện lợi Co.op Food, Saigon Co.op cũng đã mạnh dạn thực hiện nhượng quyền. Tính đến nay, trong tổng số khoảng 300 cửa hàng Co.op Food hiện hữu, đã có hơn 20 cửa hàng hoạt động dưới dạng nhượng quyền. 

WinMart/WinMart+ với mạng lưới gần 3.000 siêu thị và cửa hàng tại 60 tỉnh thành trên cả nước đã chính thức công bố nhượng quyền thương mại, hướng tới mục tiêu tăng gấp 10 lần quy mô vào năm 2025.

Ngoài ra, các chuỗi cửa hàng tiện lợi khác như Ministop, Kawamart, Sakuko … cũng đang nhượng quyền với tham vọng mở rộng rất nhanh tại các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh. 

Theo KoreaTimes, Đông Nam Á từng được các nhà bán lẻ Hàn Quốc xem là một trong ba khu vực tăng trưởng mạnh để tập trung rót vốn mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, các chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi Hàn Quốc gặp phải hai rào cản lớn: sức mua kém hơn kỳ vọng và các quy định pháp lý ngặt nghèo. Các chuỗi này đang chuyển sang các hợp đồng nhượng quyền và tránh sở hữu trực tiếp.

Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho biết, phát triển theo hướng nhượng quyền giúp các doanh nghiệp tận dụng được nguồn vốn cũng như nhân lực từ đối tác để mở rộng kinh doanh. Một trong các vấn đề gây khó khăn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài chính là hiểu và làm quen được với văn hoá nước sở tại. Vì vậy việc nhượng quyền để đối tác Việt Nam giúp họ vận hành và phát triển thương hiệu chính là cách hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề này.

“Đây là cách huy động vốn và nhân lực rất thông minh của các nhà đầu tư nước ngoài”, ông Doanh nêu quan điểm.

Không chỉ mang lại lợi ích cho bên nhượng quyền, mô hình này còn hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất cho đối tác nhận quyền, là các DN Việt Nam. Theo đó, nhờ uy tín của các thương hiệu lớn mà sản phẩm của các DN mua lại thương hiệu được tiêu thụ mạnh trên thị trường và được người tiêu dùng biết đến. Các DN này đỡ tốn một khoản tiền lớn để tạo dựng thương hiệu cũng như tiết kiệm đáng kể chi phí quảng cáo, xúc tiến bán hàng.

Đó cũng chính là lý do khiến ngày càng nhiều DN Việt Nam chủ động tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới thông qua nhượng quyền thương mại.

Với tốc độ tăng trưởng gần 12%/năm, Việt Nam được đánh giá là một trong 3 thị trường bán lẻ sôi động nhất tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương (sau Trung Quốc và Indonesia). Dự báo quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ đạt 180 tỷ USD vào năm 2020. Trong lĩnh vực bán lẻ, ngoài các trung tâm thương mại, đại siêu thị, siêu thị thì hiện nay phân khúc cửa hàng tiện lợi phát triển rất sôi động với sự tham gia của hàng loạt tên tuổi lớn trong, ngoài nước.

Theo một khảo sát được công bố bởi Nielsen, sở dĩ phân khúc cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh do hành vi tiêu dùng của người Việt đang có sự điều chỉnh với yếu tố tiện lợi được đặt lên hàng đầu. Trong thời gian qua, hàng ngàn cửa hàng tiện lợi đã mọc lên khắp cả nước, trong đó nhiều nhất là tại 2 thành phố lớn là hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bạn có thương hiệu nhượng quyền muốn tiếp cận đối tác tiềm năng, hoặc bạn là nhà đầu tư đang tìm kiếm một mô hình nhượng quyền phù hợp, tối ưu lợi nhuận, VNFranchise sẵn sàng hỗ trợ bạn. Vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email info@vnfranchise.vn hoặc (028) 6676 6066.

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise