Doanh Nghiệp Ngành F&b Tăng Trưởng Tốt Trở Lại

Hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đang tăng cao trở lại. Thậm chí, mức tăng trưởng hiện tại còn tốt hơn so với thời điểm trước khi bị ảnh hướng bởi dịch bệnh Covid-19.

Doanh nghiệp ngành F&B tăng trưởng tốt trở lại. Nhiều doanh nghiệp ngành F&B tham gia tại Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống lần thứ 26. Ảnh: Lê Hoàng

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM (FFA) đã chia sẻ thông tin nói trên với báo chí tại buổi khai mạc Triển lãm quốc tế chuyên ngành thực phẩm, đồ uống lần thứ 26 ở TPHCM vào ngày 11-8.

Theo bà, cho đến thời điểm này hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành chế biến thực phẩm và đồ uống bình quân tăng đều. Cụ thể, với ngành đồ uống trong nửa đầu năm nay đã tăng trên 7% và ngành chế biến lương thực thực phẩm tăng gần 6%. Ở thời điểm của năm 2019 trở về trước, mức tăng của doanh nghiệp trong ngành chỉ khoảng 4,3%.

Nhiều tổ chức và công ty khảo sát nước ngoài cũng đánh giá, thị trường F&B của Việt Nam đang tăng trưởng tốt trở lại và còn nhiều tiềm năng trong thời gian tới.

Theo khảo sát của Vietnam Report, sau 2 năm chật vật vì Covid-19, đến quí 1-2022, doanh nghiệp F&B mới thực sự hồi phục trở lại. Ngành F&B được đánh giá đang phục hồi nhanh và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022 và những năm tiếp theo.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, ngành thực phẩm đồ uống sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, sẽ tăng từ 10-12% so với cùng kỳ, với động lực chính đến từ việc mở cửa lại các dịch vụ ăn tại chỗ và sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa.

Một tổ chức khác, là Tổ chức nghiên cứu thị trường Mordor Intelligence Inc cũng dự báo, ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hằng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.

Theo: Thesaigontimes

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise